Chợ di động xuyên biên giớiCửa khẩu Hoàng Diệu ( huyện Bù Đốp, Bình Phước) buổi sáng lất phất mưa, sương mờ bao phủ, vẫn thấy rất nhiều người đi xe máy đèo hàng lỉnh kỉnh chạy qua biên giới vào Camphuchia. Họ là đội quân bán hàng xuyên biên giới.

Phải có ngoại ngữ lận lưng

Người Campuchia ở biên giới giỏi tiếng Việt, có người biết cả tiếng Anh, song khi mua bán, họ lại thích dùng tiếng Kh’me.

Vì thế một người bán rong phải có ít vốn tiếng Kh’me lận lưng. Đại để như câu Tim ây, xom m’chơ – Mua đồ không? Xin mời. Thịt gà: Mon.., Ch’ru : Thịt heo, …Những câu như “ Tim ây?” nhiều năm qua trở thành câu rao hàng cửa miệng quen thuộc của người Việt trên đất bạn Camphuchia.

Chị Nguyễn thị Phượng ở ấp 4 xã Hưng Phước ( Bù Đốp) cho biết, hàng bán chủ yếu ở các phum của xã X’rây X’tum đến tận trung tâm huyện Keosima (Camphuchia) đi về trong ngày hơn gần cả 100 km.

Một chuyến hàng trung bình có vốn khoảng 1 triệu đồng với đủ hàng hoá như một cái chợ di động, gồm: Thịt heo, thịt gà, nhu yếu phẩm khác … Mỗi chuyến nếu bán hết, tiền lời khoảng 200 – 300 ngàn đồng.

Chợ di động xuyên biên giới_0
Với chiếc xe máy cà tàng người phụ nữ vẫn chở cả đống hàng đi bán

Song không phải ai cũng có thể làm nghề này vì để buôn bán được trên đất Campuchia phải có mối quan hệ tốt, thân quen. Nhiều người mới vào nghề, có khi rao khản giọng từ sáng đến tối vẫn chẳng có ai mua.

Xoá đói giảm nghèo

Ông Nguyễn Châu ở ấp 6 xã Hưng Phước (huyện Bù Đốp), nói, ông bán hàng xuyên biên giới từ năm năm 1995 đến nay và nghề này giúp ông nuôi sống cả gia đình.

“Tôi quê ở Quảng Trị vào Bình Phước lập nghiệp từ năm 1984. Nhà có 6 mặt con, đất đai chỉ có hơn 2 sào chẳng biết làm gì ra tiền. Trong lúc túng bấn, mới nghĩ đến chuyện sang Camphuchia bán hàng. Lúc đầu nghĩ chỉ bán tạm một thời gian rồi tìm việc khác nhưng rồi “dính” với nghề này luôn”, ông Châu, kể.

Nhờ những chuyến hàng xuyên biên giới mà ông Châu nuôi các con ăn học đàng hoàng, mấy đứa lớn đều đỗ vào ĐH, Cao đẵng đã ra trường và kiếm được việc làm, còn đứa út vừa học xong cấp 3.

Chợ di động xuyên biên giới_1
Nhờ những chuyến hàng xuyên biên giới ông Châu nuôi sống cả nhà.

Trong đội quân bán hàng, chúng tôi thấy một thanh niên gầy nhom nhưng xe đèo gần cả trăm kg hàng. Người thanh niên giới thiệu mình tên Dương Mạnh Tài SN 1990, nhà ở ấp Tân Phước xã Phước Thiện huyện Bù Đốp, nhà nghèo nên phải nghỉ học sớm đi bán hàng kiếm sống.

Không lanh lợi, nhưng thật thà, chất phát, ăn nói nhẹ nhàng nên Tài được mọi người có cảm tình, có người còn nhường cho Tài bán trước khi gặp khách hàng hỏi mua.

Ngày 3/3/2010 tỉnh Bình Phước chính thức khai trương nâng cấp cửa khẩu Hoàng Diệu ( Bù Đốp) – Lababkhê (huyện Keosima - tỉnh Muđunkiri- Campuchia) thành cửa khẩu quốc gia. Đây là cơ hội mở ra hướng làm ăn cho người nghèo nơi biên giới.

Theo thống kê, tại xã Hưng Phước và xã Phước Thiện ( huyện Bù Đốp) có đến 60 hộ gia đình làm nghề bán hàng xuyên biên giới.
Ông Nguyễn Hữu Duệ, Phó chủ tịch UBND xã Hưng Phước cho biết, công việc này mang lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Theo VNN.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC