Chi 500.000 - 700.000 đồng, bạn sẽ có ngay một cô/anh người yêu “lý tưởng” cùng đi chơi, dự đám cưới, gặp gỡ đối tác… trong vài ba giờ để “thổi phồng” lòng hãnh diện cá nhân trước bàn dân thiên hạ. Người “đầu têu” dịch vụ kinh doanh táo bạo chưa được pháp luật công nhận này mới 25 tuổi.

Giám đốc Công ty CP Vinamost (Hà Nội) Nguyễn Xuân Thiện giải thích lý do “đâm đầu” vào lĩnh vực rất dễ gây “sốc”: “Sinh viên ngoại tỉnh vừa ra trường như em, không có kinh nghiệm, vốn liếng, quan hệ xã hội… nhưng có nhiều ý tưởng mới lạ và muốn mạnh dạn thử nghiệm”.  

Nắm bắt được nhu cầu của cuộc sống hiện đại, Thiện và một số cộng sự trẻ quyết định thành lập Vinamost từ giữa tháng 5, trong đó kinh doanh dịch vụ “cho thuê người yêu”. “Đại đa số khách hàng là người trẻ với vô vàn mục đích khác nhau, nhiều khi chỉ đơn giản nhằm giải quyết cái tôi cá nhân rất lớn”, Thiện kể.

Cho thuê người yêu, doanh nghiệp hơi
Một khách hàng đón "vợ chưa cưới" đi mặc cả mua nhà.


Có hai khách nữ thuê “gói” đưa đón công sở: Khi tan tầm, nàng cười rạng rỡ ngồi sau một chàng thừa tiêu chuẩn là người tình trong mơ của khối cô gái khác, đi trên chiếc xe khối kẻ thèm muốn. Rồi hai người tình tứ đèo nhau đến địa điểm nào đó… kết thúc hợp đồng. Tiếc là hai khách hàng này nhận xét tốt về dịch vụ, nhưng chỉ thuê đúng một lần. Có thể, nỗi xót tiền đã chiến thắng cảm giác được vênh vang trước đồng nghiệp.

Có ba khách lại thuê “người yêu” cao ráo, đẹp trai, nói chuyện khéo đưa mình đi ăn cưới người yêu cũ, để chứng tỏ “tôi kiếm được người khác hơn anh nhiều”.

Tuy nhiên, có trường hợp tìm đến Vinamost với ý định hết sức nghiêm túc. Một phụ nữ 35 tuổi buồn chán vì chồng đi công tác nước ngoài dài hạn, đề nghị tìm người nam giới đứng tuổi, giàu kinh nghiệm sống để trút bầu tâm sự, tìm lời khuyên cần thiết cho cuộc sống gia đình. Hợp đồng trị giá 500.000 đồng trọn gói trong khoảng hai tiếng nghỉ trưa. Khách khá hài lòng nhưng cộng tác viên (CTV) không vui vẻ vì chi phí ăn uống của cả hai lên tới hơn 400.000 đồng.

Nhu cầu của khách hàng nam đa dạng hơn. Có người thuê “người yêu” xinh đẹp, ứng xử tốt, biết hết mình chăm sóc thân chủ trước đám đông với giá 800.000 đồng để “làm mẽ” trước mặt người yêu cũ trong buổi sinh nhật hơn hai giờ. Hoặc đơn giản chỉ ngồi uống cà phê tán gẫu với nhau. Một cậu con nhà giàu bị bạn bè trêu chọc vì không kiếm nổi “mảnh tình vắt vai” nhất trí chi một triệu đồng cho chương trình đèo “người yêu” đi chơi lòng vòng trong ba giờ cùng nhóm bạn. Vinamost giao hợp đồng này cho một cộng tác viên xinh như mộng, ăn mặc thời trang, nổi bật nhất trong số người yêu của đám bạn thân chủ. Chàng vô cùng hãnh diện và sau đó, tìm mọi cách xin số điện thoại “người yêu” nhưng… không thành.

Thiện nhấn mạnh: “Bọn em tuyệt đối giữ bí mật danh tính, địa chỉ liên lạc của khách hàng và CTV. Còn sau khi kết thúc hợp đồng, họ có phát sinh quan hệ cá nhân khác thì công ty không thể can thiệp”.

Tình huống “thót tim”

Hiện nay, số CTV của Vinamost đã lên tới hàng trăm người (65% là nữ), chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP HCM. Tất cả đều có nhân thân tốt, ngoại hình khá, giao tiếp khéo léo… Vinamost chủ trương lập hợp đồng chặt chẽ ngay từ đầu, quy định rất chi tiết những điều khoản các bên phải thực hiện… Thiện thống kê, thực tế chỉ có khoảng 15% số hợp đồng cho phép khách cầm tay (tuyệt đối không “tiến xa” hơn) trong trường hợp bắt buộc phải vào vai người yêu, vợ sắp cưới như thật.

Vinamost còn có hai cơ chế giám sát trong quá trình diễn ra hợp đồng. Cứ 15 - 20 phút, CTV phải nhắn tin thông báo tình hình cho giám sát viên. Đối với hợp đồng có tính phức tạp sẽ có giám sát viên bí mật bám theo. Đồng thời, nếu khách hàng có hành vi khiếm nhã lần đầu, CTV sẽ tế nhị nhắc nhở. Nếu vẫn tiếp tục, cộng tác viên có quyền xin phép ra về, đơn phương hủy hợp đồng giữa chừng.

Mặc dù vậy, đã xảy ra sự cố khiến toàn Vinamost “thót tim”. Thấy khách đề nghị thuê người yêu đi chơi hồ Đại Lải (Hà Nội), Vinamost cẩn thận chọn một cộng tác viên khéo léo, lanh lợi thực hiện hợp đồng. Đến nơi, khách tìm cớ vào phòng “người yêu”, chốt cửa rồi… gạ tình. Cô gái nhanh trí kêu đau bụng, chạy tọt vào nhà vệ sinh cố thủ, gọi điện thoại báo giám sát đến đưa về. Thiện phàn nàn: “Một số người tưởng chúng tôi cung cấp “gái” hoặc hiểu rõ tính chất dịch vụ, nhưng vẫn cố tình sử dụng “thử” với ý đồ xấu. Nếu cộng tác viên không được tuyển lựa cẩn trọng, chiều theo khách hàng là “giết” Vinamost ngay”. Thiện cho biết thêm, đối với những hợp đồng quá phức tạp, công ty thường kèm theo điều kiện ràng buộc khắt khe, giá đắt… để khách có dụng ý xấu thấy phiền toái quá mà bỏ.

Không cấm, nhưng chưa được phép

Ông Vũ Duy Tuấn, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh số 2 thuộc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội khẳng định “cho thuê người yêu” không có trong Danh mục hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam do Chính phủ ban hành năm 2007. Vì thế, Vinamost đang kinh doanh trái pháp luật dịch vụ này. Thiện giải thích, rất muốn đăng ký kinh doanh ngành nghề “cho thuê người yêu” nhưng lại không được phép và thừa nhận nên gần đây, nhiều cơ quan quản lý đang “chú ý” tới công ty.

Điều 5 Nghị định 88/2006 quy định đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong hệ thống ngành kinh tế quốc dân và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật thì cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét ghi ngành, nghề đó vào giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đồng thời thông báo cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Tổng cục Thống kê để bổ sung mã mới. Phó trưởng phòng Đăng ký kinh doanh số 1 Nguyễn Tuấn Vinh nhận xét, hoạt động kinh tế - xã hội thời hội nhập rất đa dạng, đôi khi nảy sinh từ nhu cầu cuộc sống trước cả các quy định của pháp luật. “Cá nhân tôi cho rằng, “cho thuê người yêu” không thuộc lĩnh vực bị cấm kinh doanh. Nếu Vinamost đề nghị kinh doanh ngành nghề này, chúng tôi sẽ xin ý kiến một số bộ ngành liên quan và thuyết phục công ty tạm chờ đợi. Nhưng khi nào Sở cấp phép chính thức mới được triển khai”, ông Vinh nói.

Theo Đất Việt.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC