Ở cái tuổi đã gần 70, nhưng mỗi lần có người nhắc tới địa danh Hà Nội là lòng bà lại sốt sắng trở lại như thời còn con gái sắp theo về nhà chồng. Biết bao nhiêu kỷ niệm về Hà Nội mà suốt một đời bà đem theo lên vùng đất cao nguyên lại dạt dào hiện về trong trí nhớ. Bà nói rằng: Hà Nội trong tôi và trong tôi có Hà Nội!
Sang thu, trời mới đổ về chiều nhưng ánh nắng cao nguyên đã chuyển sang màu bàng bạc. Cái se lạnh của Đà Lạt như làm cho những con người xa quê muốn xích lại gần nhau hơn. Trong căn nhà cấp 4 nằm lọt thỏm giữa lòng một thành phố du lịch sầm uất trên đường Sương Nguyệt Ánh, bà Hằng (tên đầy đủ là Nguyễn Thị Hằng) còn nhớ như in mùa thu năm ấy – cái mùa thu bà chia tay vùng đất chôn rau cắt rốn để đến với cao nguyên Lâm Đồng.
Ngày bà theo chồng vào Đà Lạt công tác cũng là lúc lá mùa thu đã nhuộm đỏ những con đường của phố phường Hà Nội. Vốn là người “nghiện” món cốm của quê hương, “biết là vào Đà Lạt sẽ không được ăn cốm nên trước khi lên tàu bà còn ngồi ăn thêm mấy miếng cốm nữa”.
Nói xong bất chợt bà hỏi tôi: Cháu ăn cốm Hà Nội chưa? Thấy tôi lắc đầu bà lại tiếp lời: “Bà kể cháu đừng cười, thấy tàu chuẩn bị chạy mà ăn chưa hết thèm bà còn mua thêm rồi gói lại để đem lên tàu ăn đấy! Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng chưa ăn cốm thì chưa phải là người Hà Nội đâu”, nói rồi bà cười, nụ cười người chứa đầy tự hào khi nói về Hà Nội.
Bà nói rằng, nếu chọn cho Hà Nội một mùa đẹp nhất trong năm bà sẽ chọn mùa thu - mùa của lá rụng và mùa của chia ly. Vừa nói bà vừa đọc một đoạn trong bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi. Bà bảo Nguyễn Đình Thi phải là một người con nặng lòng với Hà Nội lắm mới viết được những câu thơ tuyệt vời đến vậy. Như nhiều người Hà Nội khác, bà đã đọc thuộc bài thơ “Đất nước” khi còn là một cô bé học sinh tiểu học. Với bà, Hà Nội là cả một trời kỷ niệm mà có lẽ suốt quãng đời còn lại bà có kể cho con cháu nghe cũng chẳng bao giờ hết.
Bà sinh năm 1943, trong thời kỳ chiến tranh, đất nước bị chia cắt. Những tháng ngày đằng đẵng của cuộc kháng chiến chống Pháp rồi lại chống Mỹ, bom đạn, đói khát bà đã trải qua - thời mà giữa cái chết và sự sống chỉ cách nhau bằng cái chớp mắt. Khó khăn, gian khổ là vậy nhưng bà Hằng lại tự hào về điều đó. Vì nó khiến bà không bao giờ quên được Hà Nội.
Cuộc sống về già trên vùng đất cao nguyên, bà thèm có một người đồng hương để tâm sự, ôn lại những kỷ niệm về một thời sống ở Thủ đô. Gặp tôi, một người không phải là đồng hương cũng chưa một lần gặp gỡ, lại chỉ đáng tuổi cháu chắt nhưng bà vẫn kể cho tôi nghe những ký ức về Hà Nội một cách say sưa.
Bà bắt đầu kể cho tôi nghe về Hà Nội từ cây cầu Long Biên. Trong mắt bà đó là cây cầu kiêu hùng và cũng không kém phần nên thơ. Do phải tản cư vì giặc đánh phá Hà Nội vào những năm 60, gia đình bà chuyển sang Gia Lâm sinh sống. Khi ấy, bà đang còn ở tuổi mười tám, đôi mươi. Sau mỗi buổi chiều đi bán sách từ trung tâm thành phố về, cũng như không ít người Hà Nội khác lúc bấy giờ, bà thường nán lại trên cầu năm, mười phút để tận hưởng những giây phút yên bình cuối ngày sau những trận bom mà quân thù thả xuống vào buổi trưa, trước khi về nhà.
Bà nói rằng cầu Long Biên anh dũng lắm! Và anh dũng như người Hà Nội vậy. Biết bao nhiêu đạn của giặc Pháp rồi bom của quân Mỹ dội xuống nhưng nó vẫn đứng sừng sững như thách thức tất cả. Và nơi đây, tình yêu đầu đời của thời con gái trong bà đã chớm nở.
Bà còn nhớ như in buổi hoàng hôn hôm đó, khi bà đang dựng xe trên cầu ngắm cảnh sông Hồng thì có một thanh niên trẻ mặc quân phục phi công đi bộ từ phía Gia Lâm sang. Thấy bà đứng nhìn cảnh sông nước một mình lại tưởng đó là một cô gái thất tình đang chuẩn bị nhảy cầu tự tử, anh ta hớt hải chạy lại, chẳng nói năng gì lôi tuột bà vào phía trong rồi luôn miệng giải thích, động viên bà không được tự tử. Nào là công bố mẹ nuôi dưỡng, không yêu người này thì yêu người khác, rồi thời gian sẽ làm cho mọi nỗi buồn tan biến…
Nghe xong bà chỉ biết ôm bụng cười rũ rượi. Mối tình đầu của bà bắt đầu từ đó, đơn giản và chỉ có vậy thôi. Bà nói tình yêu trong chiến tranh không như bây giờ, nếu có duyên, có phận với nhau thì chỉ cần một lần gặp gỡ là có thể yêu nhau rồi.
Quãng thời gian hạnh phúc trong tình yêu đầu đời của thời con gái chưa chưa được bao lâu thì họ phải chia tay nhau vì người yêu của bà phải trở về đơn vị công tác. Tất cả con đường, góc phố Hà Nội và cả những đêm trăng bình yên sau những làn bom nổ rung chuyển Hà Nội bên bờ hồ Hoàn Kiếm…đối với bà lúc này đã trở thành kỷ niệm của tình yêu.
Bẵng đi một thời gian mất liên lạc, rồi một chiều nọ bà nhận được tin người yêu đã hi sinh ngay trên bầu trời Hà Nội khi thực hiện chuyến bay đánh trả quân thù trên không. Mối tình đầu chợt đến rồi ra đi vĩnh viễn…Sau này, ngoài 30 tuổi bà mới chịu lấy chồng.
Khi nghe tôi nhắc đến chuyện Thủ đô đã đến ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, trên nét mặt bà lại phảng phất một nổi buồn sâu thẳm của người con 30 năm xa quê. Bà nói rưng rưng chia sẻ: “Vậy là Hà Nội tròn nghìn năm tuổi rồi đấy, tiếc quá! Đường sá xa xôi trong khi tuổi bà đã cao... Thôi thì đành lỡ hẹn với Hà Nội!”.
Ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội sẽ vắng bà, nhưng tôi biết rằng trong bà luôn có Hà Nội và trong Hà Nội luôn có bà.
Theo VTC.