Hiếm có một xã nào ở đất nước Việt Nam lại bé nhỏ như xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Cả xã vẻn vẹn 49 hộ dân, 235 nhân khẩu. Xã nằm ngay bên đường 20, trong vùng lõi của vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Khô khát giữa rừng
Tân Trạch rất hiếm nước. Trạm kiểm lâm đóng ngay đầu xã là nơi dư giả nước nhất vì có phương tiện vận chuyển cả chục km từ trạm 37 vào. Vào đây, cái ăn đã thiếu, nước lại càng thiếu hơn. Có hôm ở trạm hết nước, sáng ra chúng tôi cầm bàn chải đánh răng đi khắp xóm mới xin được ca nước mấy người dùng chung. Còn rửa mặt thì... miễn.
Anh Từ Minh Phương, cán bộ trạm kiểm lâm 39 nói: "Lúc đưa dân về đây định cư họ cũng không tính đến chuyện nước. Ở đây cũng đã đầu tư đường nước mấy tỷ đồng nhưng... hỏng lâu rồi. Do đường nước dài đến cả chục km lại đi trong rừng, địa hình hiểm trở nên mới đưa vào sử dụng đã hỏng. Sửa nhiều lần không được nên từ lâu dân bản cũng quên rằng xã mình cũng từng có đường nước sạch".
Kiểm lâm, giáo viên cắt cử nhau luân phiên đi cả chục cây số cõng nước về dùng. Người dân, họ đánh liều dùng ngay mấy vũng nước ở đầu bản, đã thế nước lúc nào cũng đục ngầu và ít nên người dân vẫn phải chia nhau.
Nước ăn đã thiếu, nước tắm lại là chuyện cười ra nước mắt. Không tắm không được, tắm nước từ mấy vũng nước tù nên da ai cũng xám ngoét. Cô giáo Phạm Thị Thu Hiền kể: "Ngày mới lên tắm nước này cả tuần ngứa không chịu được nhưng lâu dần thành quen. Bẩn nhưng không dùng không được, nhiều lúc tắm xong người toàn mùi bùn, sắt".
Ngoài việc xã Tân Trạch "tọa lạc" vào chỗ không nước, ở đây còn là cái kho bom. Trước đây đường 20 là trọng điểm của bom đạn, địa điểm xã ở ngày nay là túi bom. Bây giờ ở bất cứ chỗ nào quanh xã người ta cũng tìm thấy bom.
Anh Phương dẫn chúng tôi vào khu rừng chỉ cách con đường liên xã chục mét. Trong những lùm cây bom chưa nổ chồng chất lên nhau. Bom xếp thành hàng, to có, nhỏ có. Chúng tôi rón rén dò dẫm bước theo anh Phương mà trong lòng nơm nớp lo sợ làm bom “tỉnh giấc”. Anh Phương bảo, bom cũng được gom lại mấy lần, cho xuống hố dùng muối tiêu huỷ nhưng chẳng ăn thua gì, quanh khu vực dân ở còn vô số.
Tại một vài hộ, người dân làm vườn đào thấy bom rồi nhặt lên đặt nằm lạnh lẽo cạnh vườn nhà. Cách đây mấy năm, cũng vì đào phải bom nên Đinh Thả, một thanh niên trẻ tuổi của xã đã bị bom nổ đứt mất một cánh tay và hiện vẫn còn nhiều mảnh kim loại trong người. Đinh Thả mãi là nỗi ảm ảnh của tất cả người dân A Rem.
Sống lâu thành quen, gặp bom thì tránh, cuốc vườn cẩn trọng, đi phải dò dẫm, người dân tự thích nghi với bom mà chẳng kêu ca gì.
Anh Phương kể rằng, nhiều đêm đang ngon giấc nghe tiếng "uỳnh" trong rừng sáng mai đi kiểm tra kiểu gì cũng có thú chết nếu không cũng là bò của người dân lại bị vướng bom. Chuyện bom bất chợt nổ là thường. Thật hãi hùng khi chúng tôi thấy nhiều quả bom qua hàng chục năm vẫn còn mới nguyên.
Đi học có... lương!
Bất kể đàn ông hay đàn bà, người già hay trẻ con, cứ là người A Rem đều biết uống rượu và hút thuốc. Họ uống rượu rất khoẻ và nhiều người hầu như lúc nào cũng say.
Uống có thể đến bỏ cơm, bỏ làm, uống từ sáng đến khuya, uống đến kiệt sức mà chết. Thuốc thì lúc nào cũng cháy trên tay, già trẻ, trai gái như nhau. Xã đã ra lệnh cho những hộ người Kinh lên đây kinh doanh là không được bán rượu vào ban ngày. Nếu ngày mà bán rượu dân sẽ uống đến say và chẳng biết làm gì nữa.
Nằm trong vùng lõi vườn quốc gia, người A Rem chẳng được đốt nương làm rẫy. Hơn nữa tập tục người A Rem họ cũng không phá rừng. Họ luôn xem rừng là nhà bởi trước đây họ sống trong hang đá, được rừng chở che. Ngoài việc canh tác một ít nương rẫy từ bản cũ ngày trước, người A Rem giờ chủ yếu tham gia bảo vệ rừng dự án và thu nhập chính từ nguồn đó.
Nghèo, lạc hậu nên chuyện học hành của con em đồng bào A Rem chưa được chú trọng. Với họ con muốn thì học, không thì thôi. Cô giáo "bắt" được thì đi học, hôm nào các em trốn cũng phải chịu. Trường cấp 1, 2 Tân Trạch chỉ có vẻn vẹn 80 học sinh. Đó là con số trên danh sách còn thực tế đến trường chẳng bao giờ đạt đến con số đó.
21 giáo viên dạy 80 học sinh, riêng lớp 3 và lớp 7, mỗi lớp chỉ có 3 học sinh. Học sinh ở đây đi học có lương hẳn hoi. Mỗi buổi 3.000đ, không đi học không có. Thế nhưng, tiền các em cũng chẳng thiết nên học sinh trốn học vẫn phổ biến. Quy định của trường rất đặc biệt: 2h chiều vào học, 1h ban giám hiệu đã gióng lên hồi trống. Sau hồi trống, các giáo viên đến từng nhà để "bắt" học sinh của mình. Khi đã bắt được, lúc đó mới đưa các em về lớp để học.Ngoài đi học có lương, trước giờ học các em còn được giáo viên phát kẹo. Sau món "khai vị" đó các em mới "ấm lòng" để học chữ. Sách vở học xong các thầy cô lại cất đi, nếu để các em mang sách vở về hôm sau "chẳng còn gì mà học".
Lấy vợ
Người A Rem lấy chồng lấy vợ từ rất sớm. Tuổi mười ba, mười lăm có thể đã trở thành bố mẹ. Họ lấy nhau rất đơn giản. Khi con trai thích người con gái, được nhà gái chấp thuận, người con trai sẽ tiến hành "bỏ của". Một hũ rượu, ít tiền bạc thế là nên nghĩa vợ chồng. Lớp 9 trường THCS Tân Trạch chưa đến 10 học sinh nhưng có đến hai cặp vợ chồng.
Cuộc sống đơn giản và thiếu thốn nhiều thứ, người A Rem còn muôn vàn khó khăn. Bộ đội biên phòng, kiểm lâm, giáo viên, lãnh đạo xã và cả những người Kinh lên đây buôn bán đã mang đến nhiều sự đổi thay cho đồng bào A Rem. Thế nhưng, khi cuộc sống còn đói nghèo thì mọi sự cố gắng vẫn chưa được như mong đợi.
Một cán bộ kiểm lâm nói rằng, khi đường 20 vẫn chưa được xây dựng, vẫn còn là đường rừng, sự giao lưu với xã hội bên ngoài hạn chế thì người dân vẫn chậm phát triển.
Tuy nhiên, đường 20 đi qua vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, một tài sản quý hiếm của quốc gia, di sản của thế giới nên việc làm đường cũng được tính toán rất kỹ. Có lẽ đó là lý do mà bao năm nay đường 20 vẫn hoang vu và người dân A Rem vẫn rất khó khăn khi muốn hoà nhập với thế giới bên ngoài.
Theo Bee.