Chuyên gia Đức "dọn nhà" cho cụ rùa Hồ GươmSáng 18/11, khoảng 1.000m2 mặt nước hồ Gươm (Hà Nội) được quây lại bằng lưới để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cụ rùa.

Sau đó, việc hút ép bùn được thử nghiệm trong khu vực này, kéo dài chừng hơn 1 tuần. Nếu thành công, sau này sẽ áp dụng hút rộng ra khắp quanh hồ. Việc "dọn nhà" cho cụ rùa Hồ Gươm này do các chuyên gia Đức đảm nhận.

Khu vực đặt máy hút ép bùn nằm cạnh trụ sở của Đội trật tự Hồ Gươm, được quây bằng bạt xanh, máy móc hoạt động khá êm ả khiến người đi trên đường Lê Thái Tổ ngay sát bên cũng không để ý.

Địa điểm hút bùn được chọn nằm phía bên phải đền Ngọc Sơn, rộng 1.000m2, quây lại bằng lưới để ngăn cụ rùa không... chui vào. Quan sát bằng mắt không hề thấy mặt nước xao động, chỉ thấy 2 đường ống hút nổi lềnh phềnh và tiếng máy chạy rè rè.

Chúng tôi gặp PGS-TS Hà Đình Đức, nhà “rùa học” nổi tiếng trong trụ sở của Đội trật tự Hồ Gươm. Ông cho hay: hiện nay, độ sâu trung bình của hồ Gươm chỉ còn khoảng 1,2m, đã bị bùn bồi lắng khá nhiều so với quá khứ, vì thế nếu không hút bùn, thì hồ Gươm có nguy cơ biến thành… đầm lầy, nguy hiểm đến tính mạng của cụ rùa.

Chuyên gia Đức
Nhà "rùa học" Hà Đình Đức (Ảnh: Đỗ Minh)

 Tuy nhiên, theo ông Đức, không phải đến bây giờ việc cải tạo môi trường Hồ Gươm mới được đặt ra. Ông cho hay: “Cộng đồng quốc tế cũng rất quan tâm đến việc này. Dấu ấn đầu tiên tôi ghi được là ngày 10/7/2004, đã có thông tin Thái Lan có thể giúp Hà Nội xử lý môi trường nước Hồ Gươm. Nếu được chấp thuận, họ sẽ gửi chuyên gia sang khảo sát môi trường hồ, đưa ra biện pháp xử lý…”.

“Sau đó, đến các chuyên gia Đức từ một số công ty. Đến 13/6/2005, các chuyên gia Đức này có qua nhà tôi để bàn bạc về cách xử lý môi trường Hồ Gươm. Tiếp đó, đến tháng 8/2005, tiếp tục có 2 chuyên gia của tổ chức Jaica đến gặp tôi trao đổi, muốn tham gia cải tạo hồ Gươm. Tuy nhiên, phương án của họ đưa ra giống như thay nước hồ Tây nên không thể chấp nhận được. Đến ngày 14/9/2005, các chuyên gia của Đức lại qua gặp tôi lần thứ 2. Cùng năm này thì Bộ KHCN Việt Nam và Bộ liên bang về giáo dục và nghiên cứu Cộng hoà Liên bang Đức đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác song phương về 12 dự án về môi trường nước trên toàn Việt Nam”.

Chuyên gia Đức
Bùn hút từ đáy hồ lên được ép khô như đất, còn nước tách riêng. 

 Sau cùng thì Hà Nội chấp thuận cho cải tạo thử nghiệm hồ Gươm qua văn bản số 9787-UBND ngày 9/10/2009. Theo đó, thành phố Hà Nội giao cho Sở KHCN, Sở Xây dựng, UBND Q.Hoàn Kiếm, Công ty TNHH 1 thành viên về thoát nước thực hiện dự án. 

Chương trình bắt đầu từ ngày 14/11/2009. Trong 2 ngày 16-17/11/2009 các chuyên gia Đức bắt đầu vận hành thử máy và hôm nay (18/11) máy chính thức hoạt động trong khoảng thời gian hơn 1 tuần.

Ông Hà Đình Đức cho biết thêm: Việc hút bùn, ép bùn này đã được thực hiện ở ao cá Bác Hồ. Tại nơi đây, từ năm 1978-2003, cứ 5 năm lại cải tạo một lần, phải qua nhiều bước phức tạp: chuyển cá gửi sang bên Đình Bảng (Bắc Ninh), rồi tát nước ao, vét bùn, xử lý đáy ao, ngâm đáy ao, tát nước ngâm đi bơm nước mới vào, rồi mới chuyển cá về. Nhưng khi hút bằng công nghệ Đức thì bỏ được tất cả các công đoạn trên, khách vẫn vào thăm nhà sàn Bác, cá vẫn ngoi lên gần cầu ao...

Tại hồ Gươm, khi hút ép bùn cũng không bị ảnh hưởng đến giao thông, môi trường xung quanh. Một phần do phía Đức đã quá quen với công nghệ này, thực hiện đã 20 năm nay. Chính Thái Lan cũng áp dụng công nghệ này, và tại điểm hút bùn hôm nay cũng có vài công nhân, kỹ sư người Thái tham gia dự án. 

Theo quan sát của chúng tôi, máy hút nằm chìm ra ngoài xa, có 2 ống hút: 1 ống hơi, 1 ống bùn. Ống bùn đổ lên máy cả nước cả bùn, bùn không bị quấy. Ông Đức bảo, mình đã bơi thuyền ra tận nơi cũng chỉ thấy có tăm nước sủi lên chứ bùn không bị sục.

Vị GS gắn bó nhiều với cụ rùa dẫn chúng tôi vào thăm hoạt động của máy hút ép bùn. Đúng như tên gọi, bùn sau khi được hút lên thì lắng tạm vào một cái bể, từ đó được máy tách ra thành 2 thành phần: nước và bùn khô.

Nước ép ra từ bùn được xả tạm xuống cống phía nhà hàng Thuỷ Tạ, dù nước rất trong nhưng PGS Hà Đình Đức vẫn cẩn thận yêu cầu phân tích thành phần nước. Sau khi phân tích, nếu nước đảm bảo sẽ được trả lại hồ Gươm. Còn bùn sau khi bị ép trông khô gần như đất sẽ được đem đi đổ nơi khác.

“Sau khi hút thử nghiệm lần này nếu được công luận, thành phố chấp thuận thì sẽ tiếp tục tính toán các vị trí hút mới xung quanh hồ Gươm (có tổng diện tích là 11,4ha)“ - GS Đức nói.

Theo Vietnamnet.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC