Cô bé 10 tuổi mê hát ca trùTối thứ 6 hằng tuần, đình làng Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) lại vang tiếng đàn đáy và giọng ca lôi cuốn của đào nương "nhí" Đoàn Thanh Hiền.

Nhỏ tuổi nhất trong CLB trù Thăng Long, Đoàn Thanh Hiền đang học lớp 4A trường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình. Hiền biết đến loại hình âm nhạc này trong một lần theo mẹ đi nghe hát. Giọng hát, nhịp phách và tiếng đàn đáy réo rắt đã có ma lực cuốn hút cô bé.

"Khi cháu xin đi học hát ca trù, tôi rất ngạc nhiên. Tôi cứ nghĩ lớp trẻ giờ sẽ thích học những thứ âm nhạc hiện đại như hip hop, jazz...Không ngờ con mình lại đặc biệt say mê ca trù như thế", chị Hạ, mẹ bé Hiền kể.

Biết tâm tư và niềm say mê của con, chị Hạ cũng lân la khắp các nơi để tìm lớp hát ca trù. Biết CLB ca trù Thăng Long, do 2 nghệ nhân thuộc hàng “báu vật sống” là đệ nhất kép đàn Nguyễn Phú Đẹ và ca nương Nguyễn Thị Chúc góp công truyền nghề và thành lập năm 2006, chị đã xin cho con đến học.

Đến nay Hiền đã theo học được khoảng 6 tháng và được ca nương Phạm Thị Huệ, chủ nhiệm Câu lạc bộ trực tiếp giảng dạy. Nhận thấy tài năng của Hiền, cô Huệ đã tận tình chỉ bảo những kỹ thuật hát, nhấn nhá, luyến láy... Dù mưa hay nắng, dù mệt mỏi vì việc học văn hóa ở lớp, nhưng cô bé 10 tuổi chưa bỏ học một buổi nào.

Bên chén trà hương thơm ngát, Hiền say mê đắm mình trong không gian ca trù cùng những người lớn tuổi. Tiếng âm sắc trầm, đục của đàn đáy, nhịp phách giòn vang và ca từ réo rắt lan tỏa trong ngôi đình làng khiến người nghe cảm thấy như đang lạc vào chốn kinh kỳ xưa.

"Hồng hồng tuyết tuyết, mới ngày nào chưa biết cái chi chi, mười lăm năm thấm thoắt có xa gì. Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu...", Hiền khẽ gõ nhịp, cất tiếng trong trẻo khiến nhiều người lặng đi khi nghe cô bé hát đúng chất ca trù. Đôi tay Hiền cầm đũa gõ vào cỗ phách, thả hồn theo tiếng trầm, tiếng bổng, tiếng thấp, tiếng cao, tiếng trong, tiếng đục...

Cô bé 10 tuổi mê hát ca trù_0

"Với ca trù, đào nương không cần há to miệng, không đẩy mạnh hơi từ buồng phổi mà ém hơi trong cổ, ậm ự mà lời ca vẫn tròn vành rõ chữ. Tiếng hát có khi như tiếng nức nở, thở than quyện vào lòng người", cụ già 70 tuổi ngồi nghe Hiền hát cho biết.

"Hiền rất có năng khiếu mặc dù không phải con nhà nòi. Giáo sư Trần Văn Khê từng gặp con bé, ông rất xúc động khi thấy một đứa trẻ đã đam mê và biết giữ được vốn văn hóa của dân tộc, gia đình tôi cũng vui lắm. Hiền cũng từ đó mà say mê, nỗ lực hơn. Đến nay, cháu đã đi biểu diễn trên các sân khấu lớn", chị Hạ hồ hởi chia sẻ.

Mỗi lời hát réo rắt của các ca nương vang lên trong đình Giảng Võ lại nhận được những tràng vỗ tay của người đam mê ca trù. Không chỉ những người già, mà trai thanh gái tú của Hà thành cũng về đây nghe hát.

"Chọn không gian yên tĩnh để lắng nghe tiếng hát của ca nương, ngắm đôi tay họ cầm đũa gõ vào cỗ phách, thả hồn theo tiếng réo rắt của đàn đáy, nhìn đôi tay nhấn nhá trên từng phím đàn, thì mọi mệt mỏi của cuộc sống dường như tan biến", anh Thanh, một khán giả tâm sự.

Theo VNE.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC