Con ra đi nhưng ánh sáng của con sẽ tiếp tục chiếu rọi và lan tỏa
Nhưng mệnh Trời đã định, việc gì đến thì cũng phải đến, sau khi kiên cường chống đỡ với căn bệnh u não, bé Nguyễn Hải An, 7 tuổi đã ra đi. Thế nhưng ánh sáng trong trẻo của cô bé thiện lương sẽ tiếp tục soi chiếu cho những người may mắn khác và cho tất cả chúng ta.
Giữa những cơn mê man do u não chèn lên dây thần kinh, trong những lúc tỉnh táo hiếm hoi, bé An đã tâm sự với mẹ rằng: “Con cũng muốn sau này làm thế nào khi mất đi, những bộ phận vẫn còn tồn tại, vẫn sống trên cơ thể của người khác…”.
Và theo nguyện vọng của bé, mẹ em đã liên hệ với Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người khi An bắt đầu hôn mê sâu. Gia đình muốn thực hiện mong mỏi cuối cùng của An, hiến tặng nội tạng của em cho những bạn nhỏ khác đang chờ được ghép tạng.
Nhưng theo quy định, chỉ những người từ 18 tuổi trở lên mới có thể hiến tặng nội tạng của mình khi còn sống hoặc sau khi chết não. Tuy nhiên, việc hiến giác mạc thì vẫn có thể thực hiện được.
Ngay sau khi bé An ra đi, mẹ em đã thực hiện một cuộc gọi và đích thân bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng mắt của Bệnh viện Mắt Trung ương đã tới nhà bé An để hoàn thành tâm nguyện của em.
“Khi tới nơi, hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi nhìn thấy, là một người mẹ trẻ đang ngồi trên giường với một em bé. Người mẹ trước khi xuống giường để chúng tôi tiến hành lấy giác mạc của bé đã nói một câu mà cho đến bây giờ khi nghĩ lại chúng tôi vẫn không thôi xúc động:
‘Con tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé’“, bác sĩ Hoàng chia sẻ về ca lấy giác mạc nghẹn ngào nhất mà anh cùng các đồng nghiệp đã thực hiện.
Phải mất gấp đôi thời gian để các bác sĩ hoàn thành công việc của mình, vì ai cũng quá xúc động và cố gắng nhẹ nhàng nhất để không làm ảnh hưởng tới “giấc ngủ” yên bình của bé An.
Và câu nói của người mẹ đang ở trong tột cùng đau khổ của bé càng khiến họ thêm nghẹn ngào: “Mẹ tự hào về con!”
Mẹ bé Hải An đau đớn tiễn đưa cô con gái nhỏ. (Ảnh: Minh Nhân)
Một cô bé 7 tuổi sẽ không thể nào biết được đến những con người bệnh tật đang trông chờ trong mòn mỏi để được ghép tạng khác, nếu mẹ của em không kể cho em nghe.
Chị Dương (mẹ bé An) đã ở bên con mình suốt từ những ngày đầu bé phải nhập viện, đồng hành cùng con, “chiến đấu” với cơn bạo bệnh từng ngày từng giờ. Chị hay kể cho con nghe về chuyện hiến tặng nội tạng cho những người thiếu may mắn khác.
Chính điều đó đã hình thành trong An mong muốn được giúp đỡ họ, được đem lại sự sống cho những con người đau khổ nhưng vẫn còn hy vọng.
Trẻ em đều là những thiên sứ trong sáng và thuần khiết.
Mong muốn giúp đỡ người khác đều không gợn đục một chút tư tâm và điều kiện nào. Nhưng chính người lớn mới là người nhen lên ngọn lửa nhân ái trong tâm hồn trẻ thơ trong trẻo.
Cảm ơn chị Dương, chị đã làm được điều mà nhiều người mẹ trong hoàn cảnh tương tự khó có thể làm được.
Câu nói “Con tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé!” không phải là một câu dễ dàng.
Nhất là đối với một người mẹ đang đau như đứt từng khúc ruột trước sự ra đi quá sớm của đứa con của mình.
Vượt lên trên nỗi đau, biến mất mát của mình thành sự khởi đầu mới cho những người khác là sự cao thượng vô lượng.
Chị có thể oán trách số phận, vì sao lại cướp đi đứa con gái xinh xắn, đáng yêu của mình khi còn quá nhỏ như vậy. Chị có thể không muốn ai động vào con mình, như một sự chở che cuối cùng mà người mẹ có thể làm cho con.
Nhưng chị đã không làm thế. Bởi chị muốn cuộc đời của con mình có ý nghĩa khi làm được điều tốt cho những người khác, cho những cuộc đời khác lại được bắt đầu.
Người bạn thân không cầm được nước mắt tiễn biệt. (Ảnh: VTC)
Thân xác chỉ như chiếc áo, cởi ra và trả lại Đất Trời
Nhìn lại quan niệm “chết phải toàn thây”, thật ra trong dòng chảy chính của văn hóa truyền thống đều không có nói về điều này. Đó có thể là một sự lợi dụng văn hóa truyền thống để đạt mục đích của nhóm người nào đó trong những giai đoạn đặc thù của xã hội xưa.
Nho gia – một trong những nền tảng lý luận truyền thống hùng mạnh và có sức sống lâu đời nhất trong lịch sử văn minh nhân loại đã từng đề cập tới vấn đề này. Nho gia cho rằng cơ thể của mình là do cha mẹ ban cho thì phải giữ gìn cẩn thận, không được làm tổn thương, mất mát. Đó là thể hiện của đạo Hiếu, trân quý những gì cha mẹ đã cho ta.
Sau này, có thể là do những cuộc chiến tranh liên miên ở mảnh đất Trung Nguyên, việc liều mình hy sinh thân mình khiến lực lượng chiến đấu sụt giảm.
Người ta lợi dụng quan điểm của Nho gia, xây dựng nên triết lý bảo thân, khuyên người ta vừa phải biết giúp đời mà cũng phải biết giữ mình, không hành động cẩu thả bừa bãi. Đồng thời, vì để tăng thêm uy lực cai trị, người cầm quyền nghĩ ra các hình phạt ở mức cao nhất như phanh thây để mang tính răn đe cao. Đánh vào tinh thần của người ta, khiến họ không dám làm phản, muốn bảo trì hình hài để trở về với mẹ cha.
Thật ra quan điểm của Nho gia có gốc gác ban đầu là để hình thành nền tảng đạo đức, khiến con người ta sống có trách nhiệm với bản thân và với người thân của mình.
Hướng con người tới sự trân quý sinh mệnh và công đức sinh thành của cha mẹ và của Đất Trời. Nho gia chưa bao giờ nói tới những khái niệm tâm linh, nên không có nói về việc phải “toàn thây” khi trở về với tổ tiên.
Trân quý sinh mệnh và cơ thể của mình chính là đức hiếu sinh, là biết ơn Đất Trời đã mang tới sự sống cho muôn loài, biết ơn cha mẹ đã cho ta được sinh ra trên đời.
Bởi “Thiên Địa chi đại đức viết sinh” (Đức lớn nhất của Trời Đất chính là sinh sôi), và “Bách thiện hiếu vi tiên” (trong trăm cái thiện, chữ hiếu là đầu).
Việc gắn khái niệm đạo đức khiến con người biết trân quý cơ thể và sinh mệnh của mình là một điều mãi vẫn còn đúng cho tới sau này. Có trân quý cơ thể, ta mới chăm sóc, giữ gìn nó cho khỏe mạnh, không ăn chơi trác táng, bỏ bê bệ dạc. Cơ thể khỏe mạnh cũng là để giúp đỡ, gánh vác việc nặng cho những người xung quanh mình.
Thân xác chỉ như chiếc áo, cởi ra và trả lại Đất Trời. (Ảnh: Soha)
Những năm 40 của thế kỷ trước, trẻ em đi học được học những bài đạo đức nhỏ trong cuốn Luân lý Giáo khoa Thư, có đoạn về trách nhiệm đối với bản thân như sau:
Bổn phận mình đối với mình là phải giữ gìn thân thể cho được khỏe mạnh tươi tốt, và phải luyện tập tính tình cho tao nhã, mở mang trí tuệ cho thông minh. Hễ mình giữ được “cái hồn lành trong cái xác khỏe” như cổ nhân đã dạy, thì chắc là mình có thể nên được người hoàn toàn vậy.
Thế nên, khi còn đang sống, thì con người phải trân quý cơ thể, sinh mệnh. Thế nhưng khi sự sống đã rời đi, thì phải đối xử làm sao với cái thân thể này?
Khi Trang Tử sắp chết, các học trò muốn làm hậu táng cho ông, nhưng Trang Tử không cho. Ông nói:
“Ta có Trời Đất làm quan quách, nhật nguyệt làm ngọc bích, tinh tú làm ngọc châu, vạn vật làm lễ tống. Đám tang của ta như vậy, không đủ sao? Mà còn thêm chi cho lắm việc!”.
Đệ tử thưa: “Chúng con sợ diều quạ ăn xác thầy!”
Trang Tử nói:
“Trên thì diều quạ ăn, dưới thì giòi kiến ăn. Cướp đây mà cho riêng đó, sao lại có thiên lệch thế!”. (Nguyễn Duy Cần ghi lại theo Nam Hoa Kinh).
Cách nghĩ này Trang Tử xem ra cũng là đồng với khái niệm vô vi của Lão Tử. Và về điểm này thì Đạo gia đã có cùng chung quan điểm với Phật gia, thân xác sau khi ta chết chỉ là cát bụi, lại trở về với cát bụi. Con người chết không phải là hết, kiếp sau tái sinh thì thân xác như bộ trang phục, mặc vào được thì cũng cởi ra được. Gửi lại Đất Trời, xác thịt tan đi trong lòng đất, hay để chim thú rỉa sạch thì cũng đều là cách để trả lại tự nhiên.
Đời người một kiếp mộng, thân xác như chiếc áo thôi. (Ảnh: ĐKN)
Có lẽ chính vì thế, ở miền đất huyền bí Tây Tạng, nơi hầu hết người dân đều thực hành Phật giáo, người chết đi sẽ không được an táng theo những cách thông thường.
Tục Thiên táng của Tây Tạng có thể là một trong những nghi lễ “rùng rợn” nhất đối với nhiều người chưa từng được chứng kiến. Thân xác người đã qua đời được đem lên núi cao cho kền kền rỉa sạch.
Người Tây Tạng không khóc thương cho người chết đang nằm đó bị phân thây bởi lũ chim đói.
Bởi đó chính là một kiếp người. Dẫu họ là ai, giàu có hay nghèo khổ, xinh đẹp hay xấu xí, là lão niên hay trẻ nhỏ… dẫu suốt một đời đã trải qua chuyện gì, những mộng ảo hư vinh, những buồn đau thống khổ, thì đến lúc nhắm mắt xuôi tay, tất cả đều cùng chung một kết cục: Linh hồn bay lên cùng những cái vỗ cánh thăng thiên của đàn kền kền, gió thổi, cát bay, bụi mịt mờ, thân xác thịt hoà tan vào hư vô.
Đâu còn tấm thân mà ta đã từng ôm ấp, đâu còn gương mặt thân quen, kiều diễm mà ta đã từng ngắm nhìn.
Chứng kiến khoảnh khắc tan biến của một kiếp người, chắc hẳn chúng ta sẽ nhận ra không có điều gì là đáng sợ, đáng ghét hay không thể sống nếu thiếu nó được. Thật ra tất cả đều sẽ trở về với cát bụi mà thôi…
Thế nhưng không tiếc chi thân xác khi đã chết, thì lại càng phải trân quý tấm thân này khi còn sống. Và trân quý tấm thân ta bao nhiêu thì cũng phải trân quý tấm thân của kẻ khác bấy nhiêu.
—-
Ngày nay, khi công nghiệp ghép mổ nội tạng đã phát triển lên một đỉnh cao mới, người ta kêu gọi loại bỏ quan niệm “chết phải toàn thây” để rộng mở đường cho những cơ hội cứu sống được nhiều người hơn nữa. Nhưng có những kẻ lại trở nên cực đoan khi còn chẳng coi trọng tấm thân và sinh mệnh của người khác ngay khi họ còn đang sống.
Nghĩa cử cao đẹp của bé An đã được ca ngợi và thông qua đó kêu gọi những hành động nhân ái tương tự trong cộng đồng.
Nguồn: Thuần Dương
DKN.TV