Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ mình bị lừa đảo, người dân cần nhanh chóng báo cáo cho Cơ quan công an gần nhất để kịp thời giải quyết.

Thông tin trên Bộ Công an cho biết thời gian gần đây, đường dây nóng của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Phước đã nhận được nhiều thông tin phản ánh của người dân về tội phạm công nghệ cao lừa đảo với thủ đoạn giả shipper (nhân viên giao hàng) gọi điện thoại sau đó chiếm đoạt tài sản.

Công an Bình Phước cho biết trường hợp điển hình như chị V.T.T trú tại xã Tân Thành, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước trình báo việc gia đình chị đi làm không có ai ở nhà và chị nhận được cuộc gọi của người tự nhận là nhân viên giao hàng nói chị có 1 đơn hàng trị giá 120.000 đồng và nói đã để hàng trong sân nhà và yêu cầu chị chuyển khoản vào số tài khoản của cửa hàng nếu không vừa ý thì có thể yêu cầu hoàn đơn và hoàn tiền.

1 Cong An Ra Canh Bao Nong Hang Trieu Nguoi Dan Tuyet Doi Khong Lam Dieu Nay Theo Yeu Cau Cua Shipper

2 Cong An Ra Canh Bao Nong Hang Trieu Nguoi Dan Tuyet Doi Khong Lam Dieu Nay Theo Yeu Cau Cua Shipper

Các tin nhắn của đối tượng lừa đảo - Ảnh chụp màn hình

Do gia đình chị cũng hay mua hàng online nên nghĩ đó là hàng do người trong gia đình mua nên chị đã chuyển khoản. Đến tối về mới biết đó không phải là đơn hàng gia đình chị mua và điện thoại cho người giao hàng.

Lúc này người giao hàng có gửi cho chị 1 đường link dẫn đến trang web giả mạo của đơn vị giao hàng và yêu cầu nhập thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng và mã OTP để được hoàn tiền, chị T đã làm theo hướng dẫn và bị chuyển khoản mất 5 triệu trong tài khoản. Khi liên lạc số điện thoại của người giao hàng thì không liên lạc được, lúc này chị nới biết bị lừa và gọi điện báo cơ quan công an.

Trung tá công an bóc trần thủ đoạn của shipper

Trung tá Nguyễn Minh Hiếu, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh Bình Phước cho biết, đây là thủ đoạn mới.

Ông Hiếu cho hay, tội phạm công nghệ cao sẽ tham gia theo dõi các buổi livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, TikTok…) để xác định những khách hàng có đặt mua sản phẩm. Các đối tượng lấy thông tin liên hệ và mặt hàng đặt mua của khách hàng từ các bình luận hoặc tin nhắn công khai trên livestream hoặc lợi dụng nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân gia tăng các đối tượng tiến hành thu thập thông tin người đặt hàng.

Sau khi thu thập được thông tin cá nhân và đơn hàng, đối tượng sẽ gọi điện thoại cho khách hàng, xưng là nhân viên giao hàng của đơn vị bán hàng mà khách đã mua sản phẩm. Sau đó, đối tượng thường sẽ chọn giờ hành chính, thời điểm khách hàng không có mặt tại nhà để gọi điện. Nếu khách hàng cho biết không có mặt tại nhà, đối tượng sẽ nói để hàng trong sân nhà hoặc gửi hàng xóm hoặc người quen… sau đó yêu cầu khách hàng chuyển tiền thanh toán đơn hàng.

3 Cong An Ra Canh Bao Nong Hang Trieu Nguoi Dan Tuyet Doi Khong Lam Dieu Nay Theo Yeu Cau Cua Shipper

Công an tỉnh đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao trên không gian mạng - Ảnh: Bộ Công an

Bên cạnh đó đối tượng thường tạo áp lực, thúc ép người nhận bằng cách thông báo đơn hàng sẽ bị hủy nếu không chuyển khoản ngay hoặc đưa ra những lời hứa hẹn hấp dẫn để dụ dỗ nạn nhân. Nhận được tiền, đối tượng sẽ chiếm đoạt và cắt đứt liên lạc với khách hang nếu đó là món hàng trị giá cao.

Ngược lại nếu hàng giá trị thấp, nạn nhân điện thoại lại cho đối tượng thì đối tượng sẽ gửi tin nhắn chứa đường link dẫn đến trang web giả mạo của đơn vị giao hàng để yêu cầu nhập thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng và nhập mã OTP để thực hiện giao dịch rút tiền hoặc chuyển tiền rồi chiếm đoạt.

Vì vậy, để phòng ngừa thủ đoạn trên, Công an đề nghị người dân khi mua hàng trên các nền tảng mạng xã hội cần chú ý trước khi chuyển khoản thanh toán đơn hàng, khách hàng cần kiểm tra kỹ thông tin của người gọi điện và xác nhận lại với đơn vị bán hàng hoặc dịch vụ giao hàng chính thức. Chỉ chuyển tiền khi đã trực tiếp nhận, kiểm tra hàng. Tránh chuyển tiền vào tài khoản cá nhân hoặc những tài khoản không rõ ràng.

Đồng thời, người dân bảo mật thông tin cá nhân, hạn chế việc chia sẻ thông tin cá nhân, địa chỉ và số điện thoại công khai trên mạng xã hội hoặc trong các buổi livestream. Sử dụng các kênh tin nhắn riêng tư hoặc hệ thống bảo mật để trao đổi thông tin đặt hàng với các đơn vị bán hàng.

Đặc biệt, người dân cần cảnh giác với những yêu cầu chuyển khoản đột ngột và không rõ ràng, có tính chất "thúc ép" chuyển tiền ngay thì nên xác nhận lại với người bán hàng qua các kênh chính thức trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào. Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ mình bị lừa đảo, người dân cần nhanh chóng báo cáo cho Cơ quan công an gần nhất để kịp thời giải quyết.

Theo Trang Anh

Đời sống pháp luật




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC