Cuộc sống ở nơi "ngửa mặt cầu mưa"Người dân xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) chỉ biết ngửa mặt cầu mưa khi hơn 3 tháng nay không có một giọt "nước trời" ban phát. Tình trạng khô hạn kéo dài, nước ngầm cạn kiệt đã đẩy hàng nghìn hộ dân nơi đây vào hoàn cảnh nguy cơ thiếu đói và bệnh tật đe doạ.

“Vét” giếng giải hạn

Từ thị trấn Cam Lộ rẽ vào con đường liên thôn nóng hừng hực, đất bụi bám đầy. Trời tháng 7 Cam Tuyền nóng như chảo lửa. Từ đầu thôn Đâu Bình 1, trưởng thôn Nguyễn Văn Sừng đang dẫn một nhóm người đến nhà mình “vét” giếng, mong trời thương kiếm thêm đôi gánh nước giải hạn.

Người nhễ nhãi mồ hôi, ông Sừng ngồi đánh thịch xuống đất, nói qua tiếng thở: “Đây là trận hạn lớn nhất trong lịch sử vùng đất ni chú a. 3 tháng rồi, ngồi chờ mưa như đói chờ cơm. Đến lúc không chờ được nữa thì mấy anh em trai tráng trong làng họp nhau “lật” mấy cái giếng cũ đã khô quắt từ mấy tháng trước lên mà “vét”, họa hoằn kiếm được đôi gánh về uống tạm”.

Cuộc sống ở nơi
Thôn Đâu Bình 1 có 55 hộ dân với gần 40 cái giếng đào nhưng đến nay không một cái nào còn nước. Đứng trước tình trạng khô hạn, chính quyền xã, thôn đã ứng phó bằng cách vận động cứ 4-5 nhà họp lại, hùn tiền mua bi về đặt rồi nạo vét giếng “cầm cự” cho qua mùa hạn.

Cuộc sống ở nơi

Cuộc sống ở nơi Hàng chục giếng đào đã không còn giọt nước nào trong 3 tháng nay

Ai có sức thì bỏ sức, ai không có thì phải thuê người làm mất 6-7 trăm nghìn đồng/giếng. Ông Sừng nói như than: “Hạn không mần chi được một đồng mà còn phải chi phí thêm tiền mua máy bơm, mua bi nạo giếng. Cứ mỗi bi có giá 300.000 đồng, cộng tiền công xem như đứt cả triệu bạc mà có được nhiều nước cho cam. Cứ 4-5 nhà thay phiên nhau chờ nước nhưng cũng lấy được vài can là hết sạch”.

Tại nhà ông Sừng cũng như nhiều gia đình khác, hàng chục hộ dân với quang gánh, can đựng nước đứng xếp hàng trước sân chờ đến phiên mình lấy nước. Ông Trần Tùng - một hộ dân ở đây nói: “Phải xếp hàng từ sớm mới có nước chú a. Nếu chậm chân thì chẳng còn giọt mô mà ăn uống chứ đừng nói tắm rửa. Cả tháng nay gia đình cứ túc trực, chờ phiên lấy nước nên chẳng buôn bán gì được”.

Cuộc sống ở nơi

Để minh chứng thêm cho cái hạn đang hoành hành dữ dội nơi đây, ông Sừng dẫn chúng tôi ra dòng sông Hiếu cách thôn chừng hơn 500m, nói: “Chưa có năm mô mà sông Hiếu cạn như ri hết. Mấy mùa trước, dù nắng to nước cũng ngang ngực người, năm ni sông cạn đến mức xe máy cũng chạy qua được. Cứ chiều chiều cả 3 làng tập trung ra đây, bến sông Hiếu thành bãi biển giải hạn. Người người chen chúc nhau, quấy lên nước đục ngầu, nguy cơ nhiễm bệnh rất cao!”.

Cả làng “uống” một khe nước

Cái hạn ở thôn Đâu Binh 1 còn “cầm cự’ được, chứ ở thôn Đâu Binh 2 thì kinh hoàng hơn bởi trên địa bàn thôn có 30 giếng nước thì có 27 cái đã sạch nước, 3 cái còn lại do khô hạn lâu ngày bi cũng bị sập, không còn nước mà lấy.
 
Cuộc sống ở nơi
Người dân thôn Đâu Bình 2 dùng trâu ’’khuân’’ nước giải hạn
 
Cả làng chỉ biết trông chờ vào khe Đá Mài cách địa bàn thôn chừng 200m. Vào nhà ông Nguyễn Cư - trưởng thôn Đâu Bình 2 cũng là lúc ông chuẩn bị thùng phuy, can nhựa đi lấy nước. Ông Cư cho biết: “Trong mấy tháng nay nước sinh hoạt, ăn uống cả làng chỉ biết trong chờ vào khe Đá Mài nhưng cũng nhỏ giọt lắm. Phải phân nhau đi lấy chứ nếu lấy một lần là hết sạch. Hôm nào không đủ nước thì chỉ ăn uống còn cả nhà phải “nhịn” tắm luôn".

Để có “nước sạch” dùng cho ăn uống, người dân Đâu Bình 2 phân ra hai thời điểm để lấy nước là lúc 19h tối và 3 giờ sáng, còn ban ngày thì lấy nước để tắm giặt. Nhà nào có trâu, bò kéo nước đỡ vất vả hơn, không thì phải dùng sức người để gồng gánh nên rất khổ sở.

Rót ly “nước chè” ra mời khách, ông Cư nhìn chúng tôi ái ngại: “Mấy chú thông cảm, nước ở đây dù nấu sôi để nguội vẫn có màu lờm lợm như thế. Đã 3 tháng ni uống thứ nước này nên cũng đã “quen” rồi”.

Ông dẫn chúng tôi ra khe Đá Mài, mới hơn 16 giờ chiều, đã có hàng chục người dân từ già đến trẻ quăng quật, gồng gánh nước đi ngược về phía dốc. Những chiếc can nhựa được những đứa trẻ vừa tắm xong múc từ khe Đá Mài lên nước còn vàng đục vẫn phải mang về nhà dùng.
 
Cuộc sống ở nơi
 
Cuộc sống ở nơi
Trẻ em ở Đâu Bình 2 gùi gánh nước giải hạn
Vừa dìm chiếc can xuống một ao nước vàng quạch, ông Trần Khâm (51 tuổi) một hộ dân ở đây cho biết: “Mấy tháng ni nhờ đập Đá Mai đang xây dựng, ngăn con suối này lại nên mới có nước dùng chứ không có nó thì cũng chẳng biết lấy nước từ đâu ra. Mỗi ngày tui lấy được 5 can nước, tiện tặn lắm mới đủ dùng cho cả nhà”.

Có lẽ, với thôn dân Đâu Bình 1, 2 giờ đây cái khái niệm “vệ sinh” sao mà xa vời quá, bởi họ đã làm mọi cách để chống hạn trong nhiều tháng qua, kể cả kêu thấu chính quyền huyện! Tình trạng thiếu nước ăn uống, sinh hoạt không chỉ diễn ra ở thôn Đâu Bình 1, 2 mà các thôn Tân Quang, Tân Hà, Tân Hiệp… với hàng nghìn hộ dân vẫn đang ngày đêm ngửa mặt cầu mưa chờ “nước trời”.

Nguy cơ thiếu đói và bệnh tật

Đi một vòng quanh “chảo rang” Cam Tuyền, nhìn những cánh đồng lúa, ngô, đậu xanh khô quắt vàng cháy mà không khỏi xót xa cho bao nhiêu công sức của thôn dân nơi đây bị “thiêu” hết trong những ngày nắng hạn.
 
Cuộc sống ở nơi
 
Cuộc sống ở nơi
Tranh thủ trời chiều đi lấy nước
 
Trên cánh đồng pha màu nắng cháy, chỉ rải rác một vài nông dân dẫn trâu ra đồng “ăn nốt” mấy bãi cỏ xanh hiếm hoi còn sót lại. Khô hạn không chỉ đẩy hàng nghìn hộ dân nơi đây đến cảnh túng quẫn thiếu đói mà còn nguy cơ bệnh tật đe doạ.

Dẫn chúng tôi ra đồng, ông Cư chỉ tay về hướng 10 ha đậu xanh của thôn đã bị ngọn nắng thiêu rụi, buồn buồn: “Làm trưởng thôn cả gần chục năm nay rồi mà chưa có năm mô thấy dân quê mình khốn đốn như ri. Vụ đông xuân vừa qua đến ngày thu hoạch thì bị gió lốc, người dân chỉ vớt được lại vốn. Năm nay vừa làm vụ hè thu chưa được bao lâu đã bị nắng hạn, trồng ngô ngô chết, trồng lúa lúa khô. Cứ như thế này vài tháng tới người dân không biết lấy chi mà ăn”.

Nắng hạn kéo dài trong những tháng qua đã khiến vụ hè thu không triển khai được, người dân đang thất nghiệp chưa biết làm gì để sống. Nguy cơ thiếu lương thực trước mắt cho bà con nơi vùng hạn Cam Tuyền là điều có thể xảy ra, bởi hiện nay do đang trong thời gian thi công đập nước Đá Mài - Tân Kim, hàng trăm ha lúa của 4 thôn Tân Quang, Tân Hà, Đâu Bình 1, Đâu Bình 2 vẫn không gieo cấy được.
 
Cuộc sống ở nơi
Những cánh đồng đậu xanh khô quắt, cháy xém ở Cam Tuyền
 
Người dân Cam Tuyền từ trước đến nay chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính, nay phải đi tìm việc làm thuê làm mướn, phiêu tán khắp nơi. Đặc biệt, “nghề truyền thống” rà phá phế liệu từ lâu dân làng đã đoạn tuyệt đến nay có nguy cơ bùng phát trở lại, bởi người dân đói thì đầu gối phải bò.

Nắng hạn cũng đã làm người dân khốn đốn vì bệnh tật. Khe nước Đá Mài là nơi cung cấp nước duy nhất cho cả làng và cũng là “bể” tắm chung cho hàng trăm người dân và gia súc. Những đứa trẻ cứ vô tư đùa giỡn trong làn nước vàng quánh bởi bùn đất và phân gia súc, nhưng cũng phải liều múc nước về dùng.

Bà Bùi Thị Hồng Hoa - Trạm trưởng Trạm y tế Cam Tuyền cho hay: “Thời gian gần đây trên địa bàn xã tỷ lệ người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ bị bệnh ngoài da, đường ruột tăng 50% so với những tháng trước. Do phải ăn uống, tắm giặt trong nguồn nước tù đọng, bị ô nhiễm. Trước mắt, chỉ khuyến cáo người dân tranh thủ thời gian lấy nước để có nước sạch, thực hiện ăn chín uống sôi để cầm cự qua mùa hạn”.

Theo VNN.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC