Bà Đỗ Thị Nhàn nói rất hối hận và đã phải trả giá, mất tất cả vì hành vi nhận hối lộ 5,2 triệu USD để bao che cho sai phạm của SCB, mong tòa giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 7/11, TAND Cấp cao tại TP HCM thẩm vấn bà Đỗ Thị Nhàn (cựu cục trưởng thanh tra giám sát ngân hàng II - cục II, thuộc Ngân hàng Nhà nước; Trưởng đoàn thanh tra SCB) và nhóm bị cáo thuộc Đoàn thanh tra về các sai phạm và lý do kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Là người đầu tiên bị xét hỏi, bà Nhàn thừa nhận toàn bộ sai phạm như bản án sơ thẩm xác định, cho biết đã rất hối hận về hành vi của mình. "Tội lỗi bị cáo gây ra đã phải trả giá, mất hết tất cả, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ tối đa hình phạt cho bị cáo để sớm trở về với gia đình", bà Nhàn nói.

Bản án sơ thẩm hồi tháng 4 tuyên phạt bà Nhàn án chung thân về tội Nhận hối lộ, xác định bị cáo chỉ đạo đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm chính về kết quả thanh tra SCB. Bị cáo đã gặp gỡ bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát) thỏa thuận về việc "làm mờ sai phạm" và 4 lần nhận tiền từ SCB thông qua Võ Tấn Hoàng Văn, tổng cộng 5,2 triệu USD. Từ đó, bà Nhàn chỉ đạo cấp dưới báo cáo và ban hành dự thảo kết luận thanh tra không trung thực, bao che, bưng bít sai phạm của SCB.

1 Cuu Cuc Truong Thanh Tra Do Thi Nhan Mat Tat Ca Vi Toi Loi Gay Ra

Bà Đỗ Thị Nhàn tại phiên tòa phúc thẩm ngày 4/11. Ảnh: Thanh Tùng

Trình bày với HĐXX, cựu cục trưởng cho biết đã nộp lại toàn bộ số tiền 5,2 triệu USD nhận của SCB. Ngoài ra, sau phiên xử sơ thẩm bị cáo đã nộp 100 triệu đồng tiền phạt và động viên gia đình nộp thêm 500 triệu đồng để khắc phục hậu quả chung của vụ án.

Theo bà Nhàn, cấp sơ thẩm chưa ghi nhận hết các tình tiết giảm nhẹ của mình như: có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác; được Chủ tịch nước tặng huân chương lao động, Chính phủ tặng bằng khen và nhận nhiều kỷ niệm chương, bằng khen vì sự nghiệp ngân hàng... Ngoài ra, bị cáo thành khẩn khai báo, tích cực phối hợp với cơ quan điều tra giúp giải quyết vụ án; có nhiều đóng góp cho hoạt động cộng đồng, gia đình hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới; được sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng; bản thân đang mắc nhiều bệnh hiểm nghèo...

Trong phần trả lời thẩm vấn của VKS sau đó, bà Nhàn xin lại 2 bất động sản (đứng tên bị cáo và em họ); 10 sổ tiết kiệm trị giá 10 tỷ đồng đứng tên hai người em họ bị kê biên trong vụ án.

2 Cuu Cuc Truong Thanh Tra Do Thi Nhan Mat Tat Ca Vi Toi Loi Gay Ra

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa phúc thẩm hôm 4/11. Ảnh: Thanh Tùng

Tiếp đó, bị cáo Nguyễn Thị Phụng, cựu phó Đoàn thanh tra, Tổ trưởng tổ tổng hợp, cho biết chấp nhận hành vi như bản án sơ thẩm quy kết và trình bày một số tình tiết giảm nhẹ, xin HĐXX xem xét cho được hưởng án treo.

Phụng được giao thanh tra liên quan đến các dự án Mũi Đèn Đỏ, 6A và Royal Garden của SCB Chi nhánh cống Quỳnh. Các khách hàng trong ba dự án này đều không đủ điều kiện để đưa vào nợ nhóm 1 mà phải để trong nhóm nợ xấu 4-5 thì mới đúng, và đã có kiến nghị. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của bà Nhàn, bị cáo cùng một số thành viên khác đã đồng ý sửa sang nợ nhóm 1. Phụng bị tòa sơ thẩm phạt 4 năm tù.

Phụng cho biết có nhận 20.000 USD và 200 triệu đồng của SCB vào những ngày lễ tết, đã nộp lại trước khi làm việc với cơ quan điều tra. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng không phải vì những lợi ích vật chất này mà làm sai, mà do tuân thủ theo chỉ đạo của bà Nhàn.

Phụng cho rằng mức án cấp sơ thẩm tuyên là quá nặng, trong khi một số bị cáo khác có vai trò tương tự đã được hưởng án treo. Ngoài ra, bị cáo cho biết trong suốt 29 năm làm việc đã có nhiều thành tích, được nhận bằng khen của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước... Do đó, bị cáo xin tòa xem xét giảm mức án cho mình xuống 3 năm tù và chuyển sang hình thức án treo.

Tương tự, một số bị cáo khác cũng đưa ra nhiều tình tiết giảm nhẹ đề nghị HĐXX xem xét.

Đối với Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Công ty Canpella, HĐXX cho biết bị cáo có đơn xin xét xử vắng mặt. Hiện, ông này đã nộp đủ số tiền phải thi hành án là 1.000 tỷ đồng để trả cho bà Lan.

Trình bày thay cho thân chủ, luật sư Hoàng Thị Thu cho biết ông Trí đang điều hành Tập đoàn Canpella và Giáo dục Văn Lang. Trong thời gian bị tạm giam, ông Trí vẫn cố gắng duy trì hoạt động của 2 tập đoàn và nộp cho nhà nước hơn 600 tỷ đồng tiền thuế. Hiện bị cáo bị chấn thương hai đốt sống, được bác sĩ chỉ định phải mổ nhưng chưa thực hiện được, khả năng đi lại hạn chế... nên rất khó có điều kiện để thi hành bản án 8 năm tù cấp sơ thẩm đã tuyên. Vì thế, luật sư xin tòa xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho ông Trí.

Phiên tòa chiều nay tiếp tục với phần thẩm vấn của VKS và luật sư.

Theo bản án sơ thẩm, trong 10 năm thâu tóm SCB bà Lan và đồng phạm đã gây thiệt hại cho ngân hàng 677.000 tỷ đồng gốc và lãi. Ngoài xác định bà Lan phải bồi thường số tiền trên, tòa tuyên phạt bị cáo 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt, bị cáo phải chấp hành án tử hình.

Trong vụ án này, bà Đỗ Thị Nhàn và 3 cựu lãnh đạo của SCB gồm Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng, cựu chủ tịch SCB và Võ Tấn Hoàng Văn bị phạt tù chung thân.

81 bị cáo khác bị tuyên phạt từ 3 năm tù treo đến 20 năm tù về loạt tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng; Tham ô tài sản; Thiếu trách nhiệm; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ngoài bà Lan, bà Nhàn còn có 46 bị cáo kháng cáo bản án này.

Hải Duyên

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC