“Đến hẹn lại lên”, những người bán rong lại gùi hàng chở lên xã miền núi Hòa Bắc (Hòa Vang, Đà Nẵng). Với đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống nơi đây, khi những quầy hàng bày ra ngay đầu làng, họ biết “Tết đã về”.
Hàng về, làng lại vui... như Tết
Hàng lên Hòa Bắc là quần áo, giày dép, cả xoong nồi… cho người dân mua sắm Tết. Hòa Bắc cách trung tâm thành phố Đà Nẵng độ chừng 20 km, không quá xa, nhưng đồng bào Cơ Tu nơi đây vẫn hiếm khi xuống phố.
Dù đã có những cây cầu mới bắc qua sông, qua suối, người Cơ Tu vẫn giữ tâm lý ngại ngăn sông cách đò, với “xuống phố lạ nước lạ cái, biết đường đâu mà mua sắm Tết” như lời của Hồ Thị Tin, cô gái Cơ Tu đang sắm Tết ở những quầy hàng di động. Nên, người Cơ Tu nơi đây cứ ngóng đợi những chuyến xe hàng để mua sắm đón một mùa Tết mới.
Tết đến, những chiếc xe hàng rong lại chở đồ mới ngược lên xã miền núi Hòa Bắc
Ngày thường có dịp về các thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hoà Bắc, huyện Hoà Vang), một trong những vùng sâu, vùng xa nhất thuộc Đà Nẵng, chỉ thấy con đường nhỏ vắng tanh chạy quanh co qua những mái nhà của người Cờ Tu sinh sống. Vậy mà, từ hai, ba hôm nay ngày nào cũng vui như Tết đến rồi. Người dân từ các thôn sâu đổ ra đầu làng mua sắm Tết.
Ông Hồ Văn Phàn, người dân thôn Tà Lang, xỏ chân vào chiếc quần mới vừa chọn được, cười hỉ hả: “Họ là người quen với làng. Cứ Tết lại lên đây. Mình mua quần áo của họ không sợ bị đắt như ở các chợ phố”.
Nghề mẹ truyền con nối
Khách thưa thưa bớt, chị Trần Thị Hạnh, người bày bán hàng quần áo ngay giữa đường làng dẫn vào các thôn Tà lang, Giàn Bí tâm sự: “Tôi lên đây bán hàng Tết năm này là năm thứ ba. Những năm trước, toàn mẹ tôi chở hàng lên. Mẹ tôi chở hàng lên đây bán có gần 30 mùa Tết.
Tới chừng hai năm nay, mẹ trở chứng đau khớp, không chở hàng đi xa được nữa. Tôi đang học nghề may, gần Tết lại xoay sang nghề chở hàng Tết lên núi của mẹ. Ngày nhỏ, tôi vẫn theo bà đi bán nên rành và quen người dân nơi đây”.
Chúng tôi dò hỏi chắc phải lãi nhiều nên những người chở hàng Tết về đây bán mới chịu khó như vậy? Chị Hạnh và những người bày bán hàng gần đó chỉ cười xòa. Anh Nguyễn Ngọc Phước, người bán nồi, niêu, xoong, chảo… nói giùm những “đồng nghiệp”: “Người Cơ Tu khó khăn như vậy, mấy cô cũng thấy rồi đó. Mình ăn lời họ răng nhiều được. Lấy công làm lời thôi”.
“Dân họ có tiền thì đưa tiền. Không thì lấy hàng đổi hàng mình cũng chịu. Mang lại những thứ trên rừng như gạo, củi… về xuôi bán. Đúng lịch, cứ từ giữa tháng Chạp trở đi là chở hàng lên đây bán. Có cũng khoảng cả chục xe hàng mỗi ngày sáng lên, chiều về” - anh Phước nói thêm.
Chị Hạnh góp tiếp chuyện: “Từ nhỏ Tết nào cũng theo mẹ lên đây, quen rồi nhớ. Mẹ truyền con nối, gần Tết nhà tôi lại chở hàng ngược lên Hòa Bắc. Bà con ở đây họ thật thà, dễ thương lắm”.
Chúng tôi ngắm nhìn những người dân Cơ Tu mặc trang phục truyền thống đi nhận tiền hỗ trợ Tết về ghé vào các quầy hàng mua sắm. Chỗ này, người đàn ông trung niên thử chiếc quần mới, chỗ kia chiếc kẹp mới lấp lánh trên mái tóc cô gái Cơ Tu, những ngày này, Tết đã về trong tiếng nói cười rộn ràng ở những quầy hàng của người dưới xuôi chở hàng lên đây cho bà con sắm Tết.
Theo Dân trí.