Đại lễ 1000 năm và những điều phải... day dứtĐại lễ kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã kết thúc tốt đẹp. Trong suốt mười ngày diễn ra đại lễ, thời tiết Hà Nội đã chứng minh những gì "dị nhân" tự cho mình có thể hô phong hoán vũ nói hoàn toàn không có cơ sở.

Chắc hẳn trong trái tim người dân Việt Nam, ai cũng khắc ghi những kỉ niệm đẹp nhất của Hà Nội nghìn năm văn hiến. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều đáng để chúng ta suy ngẫm sau những ngày hội tưng bừng vừa qua.

Đồng bào miền Trung quay cuồng với lũ.

Một trong những điều làm rất nhiều người băn khoăn, day dứt khi đại lễ nghìn năm diễn ra ở Hà Nội thì đồng bào miền Trung đang quay cuồng chống chọi với mưa lũ. Hàng chục người chết, hàng ngàn ngôi nhà bị hư hỏng nặng, người dân Minh Hoá, Quảng Bình phải sống theo kiểu nguyên thuỷ trong hang đá suốt 5 ngày trời. Những mất mát khổ đau ấy làm cho không khí ngày hội của Đại lễ một nghìn năm Thăng Long phần nào bớt đi niềm vui trọn vẹn.

Đại lễ 1000 năm và những điều phải... day dứt_0

Miền Trung đang oằn mình chống lũ

Thành Uỷ Hà Nội đã quyết định dừng bắn pháo hoa ở 29 điểm đã định để giành kinh phí ủng hộ đồng bào miền Trung đang oằn mình chống lũ. Đây là một việc làm rất có ý nghĩa, nó cho thấy khúc ruột miền Trung luôn trong trái tim mọi người dân Việt Nam. Dù trong đại lễ 1.000 năm có một, chúng ta vẫn hướng về đồng bào miền Trung với sự chia sẻ, tri ân chân thành và sâu sắc nhất.

Tranh nhau bóc chữ ở "Chiếu dời đô" lấy may

Ngay sau chương trình giới thiệu và bàn giao bức Chiếu dời đô kỷ lục Việt Nam, hàng trăm khách thăm quan đã dùng tay sờ mó, thử cậy các chữ Hán trên bức Chiếu này.

Đại lễ 1000 năm và những điều phải... day dứt_1

Nhiều người cố chen lấn để sờ vào bản chiếu này

Tuy lực lượng bảo vệ đứng ngay cạnh đó, nhưng không thấy ai đến nhắc nhở, hay cấm người dân xâm hại đến tác phẩm.

Nhiều bạn trẻ ghi lại dấu ấn bằng việc viết tên mình lên những điểm di tích như Tháp Hoà Phong, .... Đó là những hành động thể hiện sự thiếu ý thức trân trọng và gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống.

Nạn móc túi hoành hành

Trong những ngày diễn ra đại lễ, hàng loạt các hoạt động văn hoá, văn nghệ, lễ hội... diễn ra trên khắp địa bàn Hà Nội, thu hút hàng ngàn người đến tham dự. Cảnh chen lấn, xô đẩy, cố kiếm cho mình một vị trí đắc địa của hàng ngàn người đã vô tình tạo cơ hội cho nạn móc túi hoành hành. Tối 5/10, hàng chục người đang cố chen vào khu vực sân khấu ca nhạc mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội trước tượng đài Lý Thái Tổ, một cô gái khoảng 20 tuổi lại cố len ngược từ trong đám đông ra ngoài, khóc nức nở. Cô vừa phát hiện ra, bị kẻ xấu móc trộm ví và điện thoại di động. “Lúc em và đám bạn đang chen vào trong thì thấy tay ai đó móc vào túi nhưng chật quá  không cho tay xuống giữ lại được”, cố gái tên Thắm vừa khóc vừa kể lại.

Đại lễ 1000 năm và những điều phải... day dứt_2

Một chiếc vỏ ví vất lại ngay cửa khu nhà bán đồ lưu niệm trong khu Hoàng Thành Thăng Long.

 Ngay cửa khu bán đồ lưu niệm tại khu Hoàng Thành Thăng Long, có vài chiếc ví da bị vứt lại sau khi đã "lột" hết  tiền trong đó. Mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng do lượng người quá đông nên nạn móc túi vẫn không được ngăn chặn triệt để.

Chen lấn, xô đẩy

Đó là cảnh thường thấy ở tất cả các tụ điểm có tổ chức các sự kiện văn hoá chào mừng 1.000 năm Thăng Long. Nhiều người từ các tỉnh xa về Hà Nội tham dự đại lễ phải ngậm ngùi quay về vì không thể chen vào được. Hàng nghìn người phải "chôn chân" ngoài đường suốt hàng chục tiếng đồng hồ trước, trong và sau đêm bắn pháo hoa tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Nhiều phóng viên của các báo đài trung ương và địa phương, có thẻ nhà báo đeo trước ngực cũng đành chịu chung số phận "tiến thoái lưỡng nan" trên đường.

Đại lễ 1000 năm và những điều phải... day dứt_3

"Biển người" 

Nhiều người đứng trên tầng cao dội nước xuống đầu những người trẩy hội gây không ít bức xúc.

Anh Thảo ở Hiệp Hoà, Bắc Giang  vượt 70 km chở vợ con ra sân vận động Mỹ Đình xem bắn pháo hoa từ 13 giờ chiều. Cố hết sức "mở đường máu" mà anh cũng không tài nào "tiếp cận" được sân vận động. Khi màn pháo hoa nghệ thuật kết thúc, anh phải quay cuồng chống đỡ vời dòng người đang ùn ùn kéo ra từ trong sân vận động trong khi đứa con trai của anh bắt  đầu ngủ gà ngủ gật trên vai mẹ, mồ hôi túa ra ướt đấm người.

Đại lễ 1000 năm và những điều phải... day dứt_4

PV có thẻ ưu tiên cũng đành "chôn chân" ngoài đường 

Anh cố gắng tìm nhà nghỉ để cho con ngủ nhưng tất cả các nhà nghỉ đều hết phòng. Phải đến 3 giờ sáng ngày 11/10, vợ chồng anh mới về được đến nhà. Rất nhiều người cũng chịu chung số phận với anh Thảo. Điều này chắc chắn sẽ làm cho ngày đầu tiên làm việc sau đại lễ kém hiệu quả.

Rác có ở khắp nơi

Mặc dù Công ty môi trường đô thị Hà Nội đã huy động tối đa người và phương tiện, dọn dẹp 24/24 giờ nhưng rác vẫn ngập ngụa khắp nơi mỗi khi các sự kiện văn hoá kết thúc. Từ lòng đường, bãi cỏ, công viên đến quảng trường, hồ Gươm... đều ngập ngụa trong rác, đồ ăn do những người đi xem hội bỏ lại.

Đại lễ 1000 năm và những điều phải... day dứt_5

 

Mọi người cứ thản nhiên vứt rác ở bất cứ chỗ nào có thể. điều này gây sự khó chịu cho những người dân có ý thức. Sự kiện này càng cho thấy ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng của một bộ phận người dân còn thấp.

Dịch vụ "ăn theo" gây khó chịu cho du khách

Nhiều du khách nước ngoài tỏ ra ngán ngẩm khi luôn bị các cô hàng rong theo đuổi, lôi kéo mua hàng lưu niệm. Ông Mike, du khách Anh quốc cùng vợ là người gốc Malaysia đi dạo, ngắm cảnh trên hè phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm. Hai phụ nữ tay cầm một mớ ruy băng đỏ và những chiếc áo phông trắng in chữ "Tôi yêu Hà Nội" áp sát, mời mọc. Hai vợ chồng ông Mike vừa cười vừa lắc đầu với hai phụ nữ, ý nói không mua hàng. Nhưng một phụ nữ vẫn bám riết lấy vị khách nước ngoài, cố mời mua hàng. Ông Mike phân trần: "Tôi thấy Hà Nội đẹp, nhưng không thích những người cứ bám theo để bán hàng".

Với lượng người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận đổ về Hà Nội quá lớn, các điểm trông giữ xe luôn trong tình trạng "cháy chỗ". Lợi dụng cơ hội, nhiều điểm trông xe đã tự ý tăng giá để thu lợi. Cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện gần chục điểm trông xe thu tiền trái quy định. Trên phố Tôn Đức Thắng, những điểm giữ xe tự phát trong một con ngõ nhỏ chém thẳng băng 100.000đ/xe máy .

Mặc dù còn nhiều điều đáng tiếc, song đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội đã để lại trong trái tim người dân Việt Nam những kỉ niệm đẹp không thể phai mờ.

Theo TTO.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC