Dân phải đào hố, moi nước về dùngCon suối nhỏ đục ngầu chỉ còn đủ sức chảy cầm chừng, mỗi ngày, hàng trăm lượt người già trẻ, gái trai từ các buôn làng xa xôi chen chân nhau đến tắm giặt và lấy nước về sinh hoạt.

Nơi đây đang phải gánh chịu một trận đại hạn chưa từng thấy.

Nằm cách dòng sông Ba về phía Nam chừng 10 cây số, xã Ia HD’reh (huyện Kông Pa, tỉnh Gia Lai) có trên 700 hộ dân người dân tộc Jrai với hàng chục nghìn nhân khẩu đang rơi vào thảm cảnh vì thiếu nước sinh hoạt trầm trọng đã nhiều tháng nay. Đây được coi là vùng “đất cháy” bậc nhất Tây Nguyên.

Giếng khoan cũng khát

Xã Ia HD’reh đã được nhà nước đầu tư 3 trạm giếng khoang có hệ thống bơm nước đến tận mỗi hộ gia đình và hàng chục giếng đào nằm ở khắp các thôn, buôn. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, tất cả các giếng nước trên địa bàn xã đều khô kiệt nước.

Ông Ksor Rung, Phó bí thư Đảng ủy xã cho hay: “Đã hơn 2 tháng nay, bà con trong xã thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Hệ thống giếng khoan đã không còn nước cung cấp cho người dân. Một số giếng nước đào bị nhiễm phèn không sử dụng được. Người dân phải ra tận các con suối để tìm nước sinh hoạt”.

Hàng trăm vòi nước được lắp đặt tại các hộ gia đình nơi đây đã trở nên vô tác dụng. Bên cạnh mỗi vòi nước là những thau, chậu, thùng chứa nước khô đáy nằm chỏng chơ. Tại buôn Trinh, vẫn còn 1 giếng đào đang được người dân sử dụng. Theo chị Kpă Huyên, một cán bộ xã cho biết, đây là giếng nước duy nhất trong buôn còn có nước. Nhưng nó chỉ đủ cung cấp nước cho một vài hộ dân xung quanh vào mỗi buổi sáng sớm là đã can kiệt.

Mọi nhu cầu về nước sinh hoạt của người dân trong buôn đều phải trông chờ vào nguồn ngước từ hệ thống giếng khoan. Thế nhưng, nguồn nước này phải vài ba ngày mới có nước một lần.

Trường THCS Lê Hồng Phong nằm đối diện UBND xã được đầu tư khá khang trang. Hệ thống nước sạch cũng được dẫn vào đến tận nơi và được lắp đặt kiên cố. Tuy nhiên, tất cả những công trình này đều đóng cửa bởi duy nhất một lý do là không có nước. Mọi nhu cầu vệ sinh, nước sinh hoạt của học sinh và giáo viên nơi đây đều trông chờ vào con suối nhỏ cách trường gần 2km.

“Việc thiếu nước sinh hoạt là một khó khăn rất lớn trong việc học tập và giảng dạy của các trường học trên địa bàn xã. Với 90 học sinh bán trú và nhiều giáo viên phải ở lại trường hàng tuần thì cực kỳ vất vả về nhu cầu nước sinh hoạt” – thầy Lưu Bá Dũng, Hiệu trưởng nhà trường than phiền.

Ra bờ suối moi nước về dùng

Giếng khoan thiếu nước hoạt động cầm chừng, giếng đào đã cạn trơ đáy. Bí thế, hàng trăm người dân trong xã phải ra bờ suối moi hố để lấy nước về sử dụng.

Nhiều tháng nay, con suối nhỏ chảy qua địa bàn xã Ia HD’reh lúc nào cũng đầy ắp người từ tờ mờ sáng cho đến đêm khuya. Dòng người đổ xô về con suối để tắm, giặt và lấy nước sinh hoạt đông như… đi lễ bỏ mả, con suối nhỏ trở nên đục ngầu như trâu đằm.

Dân phải đào hố, moi nước về dùng_0

Kẻ đứng đầu trên thì tắm, người đầu dưới thì giặt, nhiều người khác thì cặm cụi moi vào bên mép suối những cái hố nhỏ thó chờ cho nước rỉ ra để lấy về sử dụng. Cứ như thế, hàng trăm hố nước đã được người dân đào dọc theo con suối nhỏ này.

Anh Giậu, giáo viên đóng chân trên địa bàn xã cho hay: “Con suối này là nguồn nước sinh hoạt chính của người dân đã nhiều tháng nay của người dân trong xã. Để giặt giũ quần áo thì người dân sử dụng nước suối, để lấy nước về sinh hoạt cho gia đình cũng như tắm tại chỗ, người dân đều phải đào hố để lọc bẩn”.

Hành trình đi lấy nước của người dân Ia HD’reh cũng đầy gian nan. Những gia đình ít nhân khẩu thì sử dụng những chai nhựa, những quả bầu khô để chứa nước mang về nhà sử dụng. Với những gia đình có đông nhân khẩu thì phải sử dụng những can lớn để lấy nước.

Vào những giờ cao điểm như sáng sớm hoặc chiều tối, con đường từ các thôn, buôn ra suối đã lộ rõ cảnh nhọc nhằn về sự khát nước với dòng người tay xách, nách mang; kẻ thồ, người “cõng” từng can, từng gùi nước hiếm.

Cách con suối Ia HD’reh chừng 4 cây số, gia đình chị Kpă Huyên ở buôn Trinh phải đi “cõng” nước hằng ngày. Vì đông người, để đủ nước phục vụ nhu cầu ăn uống, mỗi ngày cậu em trai chị Huyên phải 3 lần đi lấy nước từ những “giếng nước” đã được moi sẵn ngoài bờ suối.

Cũng ở buôn Trinh, gia đình anh Nay Jú có 12 nhân khẩu. “Nhà mình không có xe máy mà suối lại ở xa, mỗi lần đi lấy nước là rất khó khăn. Khi mang được nước về nhà rồi thì chỉ dùng để nấu thức ăn và để uống. Nhiều lúc muốn rửa mặt, rửa chân tay cho mát cũng không giám vì lỡ bận việc không đi lấy nước được thì bọn trẻ phải chịu khát” - anh tâm sự.

Theo Bee.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC