Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dân số nước ta hiện đứng hàng thứ 13 trên thế giới, xấp xỉ 87 triệu người. Dân số Việt Nam tiếp tục tăng, với mức tăng hơn 1 triệu người/năm, tương đương với dân số của một tỉnh trung bình.
Đặc biệt là giai đoạn then chốt từ năm 2011-2020, khi nước ta đặt mục tiêu xếp vào hàng các nước có thu nhập trung bình.
Thời kỳ dân số vàng được đánh giá là rất tích cực nhưng thực tế cho thấy, hiện nay, dân số nước ta vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Trong đó trở ngại, thách thức lớn nhất là chất lượng dân số, đây là những chỉ số phản ánh tình trạng thể chất, trí tuệ và tinh thần của cộng đồng dân cư.
Nhìn nhận khách quan, trong những năm gần đây, bằng những nỗ lực của Đảng và Nhà nước, cuộc sống người dân ngày càng cải thiện. Tuy nhiên so với yêu cầu đặt ra và tiêu chuẩn của thế giới, chất lượng dân số nước ta vẫn ở mức thấp, xếp ở nhóm sau của thế giới. Năm 2010, Việt Nam chỉ xếp thứ 113/169 trong bảng xếp hạng về chỉ số phát triển con người (HDI) của Liên hiệp quốc.
Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã tăng lên 72,8 năm, đứng thứ 58/177 nước, nhưng đáng buồn là tuổi trung bình khỏe mạnh chỉ là 66 tuổi, xếp thứ 116/177 nước trên thế giới. Các chỉ số về thể lực như chiều cao, cân nặng, sức bền, suy dinh dưỡng… của người dân và trẻ em nước ta vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực.
Đáng lo ngại hơn, sự phát triển ồ ạt của các khu công nghiệp, nhà máy thủy điện, chặt phá rừng đầu nguồn đang làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống và sức khỏe người dân.
Theo cảnh báo của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc, chất lượng dân số thấp đang là yếu tố cản trở sự phát triển và đặt Việt Nam trước nguy cơ tụt hậu. Do đó, nâng cao chất lượng dân số là mục tiêu phấn đấu của cả cộng đồng và quốc gia. Để đạt được điều đó, đòi hỏi cần có những giải pháp đồng bộ, chiến lược, sự nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị và toàn xã hội.