"Dân vùng lũ ngấy mì tôm lắm rồi.."Hàng ngàn tấn mì tôm đã được chuyển đến đồng bào vùng lũ ở Miền Trung giúp bà con chống đói, nhưng mì tôm nhiều quá khiến bà con đang lâm vào tình trạng “dở khóc dở cười”.

Sau lũ lụt là lũ mì tôm

 

Sau đợt lũ lịch sử xảy ra tại các tỉnh Bắc Trung bộ, người dân cả nước đều hướng về đồng bào nơi đây. Hàng ngàn tấn lương thực, thuốc men, nước uống đã được chuyển đến tay đồng bào, giúp đỡ những người dân vượt qua thời gian khó khăn nhất.

 

Một miếng khi đói bằng một gói khi no, người dân vũng lũ cảm kích những tấm lòng của nhân dân cả nước hướng về họ. Khi cuộc sống phải vật lộn với con nước lớn, có được đồ ăn để cầm cự đã là tốt lắm rồi nên chẳng dám đòi hỏi gì hơn.

 

Nhưng trong những ngày sống cùng bà con vùng lũ, phóng viên VnMedia được chứng kiến nhiều chuyện hy hữu về mì tôm. Một cụ già 88 tuổi ở xã Hương Thuỷ vừa nhận được một thùng mì tôm từ UBND xã do những nhà hảo tâm ủng hộ, nhưng về nhà được một lúc thì lại có đoàn khác mang đến tận nhà. Đoàn trao quà vừa đi xong thì đoàn trao quà khác lại đến, bà cụ luôn mồm cảm ơn mà miệng méo xệch vì trong nhà cụ đã có hơn 10 thùng mì tôm.

 

“Quý lắm, cảm ơn lắm tấm lòng của những nhà hảo tâm. Nhưng tôi già cả rồi, răng đâu mà nhai mì tôm sống. Nước sạch cũng không có để nấu mì, mấy hôm tôi toàn phải múc nước giếng đục ngầu lên uống. Mà ăn nhiều mì tôm quá chú ạ, tôi thèm có một bát cháo cơm trắng”. – Bà tâm sự với phóng viên.

 

Đó không chỉ là tâm tình riêng của bà cụ, mà còn của nhiều gia đình khác ở nơi cơn lũ đi qua. Không thể phủ nhận tác dụng của mì tôm trong tình hình nguy cấp như vậy, nhưng sẽ ra sao nếu danh mục hàng cứu trợ từ các tổ chức tình nguyện đa phần…mì tôm?

 

“Đòi hỏi hoá ra ăn mày đòi xôi gấc, nhưng thực sự tôi thấy có nhiều bà con thèm cơm quá đã phải mang mì tôm đi đổi lấy gạo, dù số gạo đó chỉ đủ ăn trong 1-2 bữa” - ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch xã Hương Thuỷ (Hương Khê, Hà Tĩnh) nghẹn ngào cho biết.

 

Ông Phú chia sẻ, không thể phủ nhận được những lợi ích của mì tôm khi nó được chọn là mặt hàng chiến lược để giúp người dân vùng thiên tai, nó có thể thu gom một lượng lớn trong thời gian ngắn. Ngoài ra, mì tôm có thể bảo quản và dùng dần mà không sợ hỏng. Tuy nhiên, ở giữa biển lũ, nước sạch không có mà ăn mì tôm rất háo nước, nhiều người đã bị bệnh đường ruột vì khát quá phải uống nước bẩn.

 

Thèm được ăn cơm

 

Thèm cơm, đó là thực tế, dù chỉ là cơm nắm muối vừng thì cũng đã chắc dạ hơn nhiều để có sức đứng lên sau cơn lũ dữ. Trước khi viết bài này, người viết cũng đã thử 1 tuần trời ăn mì tôm thay cơm, tất nhiên là trong hoàn cảnh sướng hơn người dân vùng lũ rất nhiều. Từ đó, rút ra được rằng cơm ăn 3 bữa hàng ngày vẫn không chán, nhưng mì tôm thì chỉ được 4 ngày là không thể nuốt trôi.

 

20101104 03 44 00 0

Có gạo ăn là niềm vui lớn của người dân vùng lũ

Chính vì thế, người dân vùng lũ thèm cơm cũng không có gì lạ, ăn mì tôm hàng tháng trời trong hoàn cảnh thiếu thốn nước sạch được như vậy đã là quá cố gắng, vì họ không có quyền đòi hỏi người khác phải cho họ cái gì. Trong trường hợp này, có được thực phẩm duy trì cuộc sống đã là niềm hạnh phúc rồi.

 

Nhiều đoàn tình nguyện cũng đã hiểu được tâm tư này của bà con, thay vì mang mì tôm thì họ cố gắng mua gạo để tặng. Tuy nhiên, dù có gạo chuyển đến vùng lũ những vẫn chưa đủ nhu cầu của người dân, và mì tôm vẫn là mặt hàng được chuyển đến song song với gạo.

Chính vì thế trong những ngày lũ lớn, Hội phụ nữ xã Hà Linh, huyện Hương Khê đã có một cách ủng hộ bình dị nhưng đầy ý nghĩa, đó là cơm nắm. Hội phụ nữ xã đã chuẩn bị 5 chiếc xoong quân dụng. Gạo quyên góp từ chính các hộ có hoàn cảnh ít khó khăn hơn, nhà bị ngập ít hơn, người góp vài ba cân, có người góp vài lạng cũng quý. Có gạo rồi chị em lại phải tìm củi khô để mồi rồi hong củi ướt…

Cơm nấu chín, vắt xong chị em chia làm hai hướng dùng thuyền nhỏ để luồn lách, cứu trợ. Ban đầu chị em vắt những nắm cơm lớn, khoảng 5 lạng gạo. Sau thấy nên vắt nhỏ hơn, khoảng 2,5 đến 3 lạng gạo để đưa tới được nhiều hộ dân hơn. Ngoài cơm nắm, muối vừng, chị em còn quyên góp được thịt, trứng thậm chí cả cà pháo, nhút muối gửi tới đồng bào đang khốn khó. Những bữa cơm như thế trong ngày lũ đã làm nhiều đôi mắt đỏ hoe vì cảm động.

Trong chuyến ghi nhận thực tế tại vùng lũ Phương Mỹ (Hương Khê – Hà Tĩnh), chúng tôi may mắn được theo chân đoàn ủng hộ của diễn đàn Phật tử chân tâm từ Hà Nội vào. Khi đoàn đi dọc con đường vào xã, kéo theo 2 chiếc xe tải chở gạo đã thu hút hàng nghìn ánh mắt của người dân. Văng vẳng bên tai phóng viên những câu reo hò khẽ: “Gạo đấy, gạo đấy…không phải mì tôm”.

 

Rồi khi những túi gạo đầu tiên tới tay người dân, nhìn họ háo hức chờ gạo, ánh mắt ướt lệ vì hạnh phúc mới thấy được “hạt ngọc thực” đáng quý biết bao nhiêu. Chẳng thế mà hạt gạo đã gắn bó với người dân Việt Nam hàng ngàn năm qua, cho tới hiện tại và có thể là cả ngàn năm sau nữa. Thế mới biết người dân vùng lũ thèm cơm đến thế nào.

Theo_VnMedia.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC