Ban tổ chức Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ tổ chức đấu giá trực tiếp trên truyền hình một số sản phẩm Rồng Thăng Long tiêu biểu để tặng cho Quỹ Nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam.
Như Dân trí đã đưa tin, Rồng Thăng Long được UBND TP Hà Nội chọn làm kỷ vật trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hiện tại, các nghệ nhân đang gấp rút hoàn thiện những con rồng cuối cùng. PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với 1 số “chuyên gia” về kỷ vật đặc biệt này của Hà Nội.
Ngài Andrea Perugini - Đại sứ Italia: “Rồng Thăng Long là biểu tượng của một Việt Nam mới”
Ngài Andrea Perugini - Đại sứ Italia, là người nước ngoài đầu tiên chính thức sở hữu Rồng Thăng Long. Trong một cuộc họp báo được tổ chức tại nhà riêng, Ngài Andrea Perugini chia sẻ: “Những đường uốn lượn trên con Rồng Thăng Long của các bạn mang ý nghĩa như những khó khăn mà tôi đã vượt qua để có được thành quả tốt đẹp ngày nay. Với tôi Rồng Thăng Long cũng là biểu tượng của một Việt Nam mới với những sự thay đổi lớn mang tầm quốc tế.
Sau khi hết nhiệm kỳ tại Việt Nam, Rồng Thăng Long sẽ là một món quà kỷ niệm của đất nước Việt Nam mến yêu. Tôi sẽ mang về nước để lưu lại dấu ấn của một thời kỳ làm đại sứ ở Việt Nam và giới thiệu cho gia đình, bạn bè tôi về một Việt Nam thân thiện”.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao - Du lịch Trần Chiến Thắng: “Đấu giá tặng Quỹ nạn nhân chất độc màu da cam”
Theo ông Trần Chiến Thắng, việc đúc 1.000 con rồng thời Lý làm quà lưu niệm đặc biệt mừng đại lễ là hoạt động góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Thủ đô nghìn năm văn hiến; giới thiệu đến du khách quốc tế và nhân dân cả nước những tinh hoa làng nghề truyền thống của Hà Nội. Đó có thể nói là một biểu tượng cho một Hà Nội tinh hoa đang ngày càng phát triển rực rỡ.
Hai con rồng đầu tiên được hoàn thiện và ra mắt hồi cuối tháng 6.
“Ban tổ chức và Công ty cổ phần Mỹ Nghệ Đông Sơn sẽ dành một số sản phẩm tiêu biểu nhất như: Rồng Thăng Long số hiệu 0001 và 1000 (ứng với hai mốc son của lịch sử là năm đức Lý Thái Tổ ban chiếu rời đô và năm tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long) để tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp bán đấu giá quyên góp gây quỹ từ thiện xã hội.
Toàn bộ số tiền thu được từ chương trình này sẽ được tặng cho Quỹ nạn nhân chất độc màu da cam - Dioxin Việt Nam do Hội nạn nhân chất độc màu da cam quản lý. Chương trình từ thiện đặc biệt này sẽ diễn vào khoảng trung tuần tháng 9 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội” - ông Thắng cho hay.
Hiện, toàn bộ 1000 rồng Thăng Long đã được Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - ký giấy chứng nhận về sở hữu sản phẩm.
Nhà điêu khắc Trần Tuy: “Chọn Rồng Thăng Long là hợp lý nhất để làm kỷ vật cho Hà Nội 1.000 năm”
Rồng thời Lý được giới điêu khắc chúng tôi đánh giá cao nhất. Trước hết, về mặt mỹ thuật, nó rất đẹp và mang đầy đủ các thành phần của những con vật linh trong đời sống, với hình dáng của đầu sư tử cánh mũi rất dài và to, có bờm và râu ở dưới cằm, có nanh có vuốt ở miệng.
Nếu như nhìn thân rồng thời Lý ta có thể thấy ngay đó là biểu hiện của thân con rắn với những vòng uốn lượn thoăn thoắt rất đẹp. Mình rồng thời Lý có vây như vây cá. Chân rồng thời Lý như chân rồng Commado của Indonesia.
Những con rồng tiêu biểu sẽ được mang ra đấu giá để tặng cho Quỹ Nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam.
Rồng thời Lý có một tính quy phạm khác với những con rồng đời Trần, Lê, Nguyễn… Có một nhà nghiên cứu đã nói rằng, rồng đá đời Lý tuy được khắc, khảm trên đá nhưng khi nhìn hoặc chạm vào đều có thể cảm nhận được sức sống của nó bởi sự tinh tế và chau chuốt.
Rồng Thăng Long cũng thể hiện cái thế bay lên, là sự thể hiện của khí thiêng tích tụ của mảnh đất Thăng Long mà vua nhà Lý đã trông thấy mà quyết định dời đô đến Thăng Long. Rồng thời Lý không chỉ gắn với Thủ đô Hà Nội mà nó có vẻ đẹp thực sự, thể hiện được cái uy vũ và hồn của dân tộc ta.
Trong số những kỷ vật để người ta nghĩ đến Thăng Long thì không có gì hơn Rồng thời Lý. Nó vừa là tên của Thủ đô, vừa đứng đầu trong hệ thống tứ linh. Có rất nhiều công trình kiến trúc có thể làm kỷ vật trong dịp đại lễ như Khuê văn các, Chùa một cột, tượng đài Lý Thái Tổ, Tháp Rùa… nhưng riêng đối với tôi, chọn Rồng Thăng Long là hợp lý nhất để làm kỷ vật cho Thủ đô Hà Nội nhân dịp 1.000 năm.
Theo Dân Trí.