Rất nhiều nhà khoa học quốc tế đã nhấn mạnh vai trò cực kỳ quan trọng của rừng trong việc giảm thiểu hậu quả của biến đổi khí hậu.
Trao đổi với TTCT, tiến sĩ Sharon Brown - chuyên gia của Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức GTZ, cố vấn trưởng Dự án bảo tồn và phát triển khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang - nói:
- Rừng ở VN, đặc biệt là vùng ĐBSCL, bị mất nhiều quá. Đó là nguyên nhân làm gia tăng lũ lụt, biển xâm lấn gây thiệt hại không nhỏ tới cuộc sống của người dân và sản xuất lương thực.
* Theo quan sát của bà, rừng VN bị mất ở mức độ nào?
- Đối với việc mất rừng ở VN, tôi cho rằng tình hình khá nghiêm trọng, kể cả rừng phòng hộ ven biển. Đây là điều rất đáng lo ngại trong tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng mà ĐBSCL là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới. Nếu tiếp tục để rừng biến mất thì hậu quả trong tương lai sẽ rất khó lường.
* Bà đánh giá thế nào về hệ thống rừng phòng hộ ở ĐBSCL hiện nay?
- Chúng ta đều biết rừng phòng hộ (rừng ngập mặn ven biển) có chức năng làm hàng rào ngăn biển xâm lấn, đặc biệt là nước biển dâng, kháng cự với bão dữ, ngăn mặn và tạo ra các bể chứa carbon trong sinh khối thực vật và trong đất, cung cấp gỗ và duy trì đa dạng thực vật biển, là nơi cho tôm, cá sinh sản và phát triển.
Qua điều tra thực tế GTZ thấy rằng hiện trạng rừng phòng hộ và thảm thực vật ven biển của ĐBSCL hiện không tốt, có bằng chứng xói mòn bờ biển đang diễn ra rất nhanh ở phần lớn các rìa rừng gần biển. Chẳng hạn tại Kiên Giang tỉ lệ xói mòn có nơi lên tới 26-27m/năm. Và với cách quản lý rừng ven biển ở địa phương, tôi cho rằng không thể ngăn chặn được nước biển dâng như dự báo.
Tôi lo ngại tình trạng rừng tràm đặc trưng ở ĐBSCL - hệ sinh thái rất quan trọng - đang bị con người tàn phá với mức độ nghiêm trọng. Rừng tràm thích ứng rất tốt với lũ lụt thường xuyên và đất bị nhiễm axit. Rừng tràm mang lại lợi ích cho môi trường thông qua việc tích tụ carbon và ngăn chặn việc hình thành đất bị nhiễm axit. Nếu phá rừng tràm đất sẽ bị chua phèn, đồng thời ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của vùng. Muốn giữ rừng tràm, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ nông dân vì thu nhập từ việc trồng rừng tràm hiện nay thấp hơn rất nhiều so với sản xuất lúa, hoa màu hay nuôi thủy sản.
* Hiện nhiều địa phương ở ĐBSCL rất băn khoăn không biết làm sao khôi phục rừng ở nơi bị xói lở không còn đất để trồng cây. Có cách nào trồng lại rừng ở những nơi như vậy không, thưa bà?
- Có chứ. Nhưng chắc chắn việc trồng lại rừng ở những nơi bị xói lở sẽ tốn chi phí rất lớn. Cần phải nghiên cứu rất kỹ về thủy văn, dòng chảy, mức độ sóng biển tác động đến chân đê, loại cây trồng và cách để cây có thể bén rễ và sống được trong điều kiện khắc nghiệt như thế... Đối với từng vùng cụ thể sẽ có những nghiên cứu khoa học tỉ mỉ để chắc chắn đạt kết quả tốt nhất. Đây là công việc không hề đơn giản, nhưng không có nghĩa là không làm được.
* Khuyến cáo của bà đối với việc khôi phục và bảo vệ rừng ở VN?
- Các nhà khoa học đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với việc thích ứng và giảm thiểu hậu quả của biến đổi khí hậu. Bờ biển, nước và rừng không có ranh giới nên các địa phương phải ngồi lại với nhau bàn bạc, thống nhất cách làm rồi cùng làm. Rất may mắn là Chính phủ VN đặc biệt quan tâm và đã có những dự án trồng, khôi phục rừng rất quy mô. Nếu thực hiện nghiêm túc, đồng bộ chắc chắn sẽ có hiệu quả. Điều quan trọng là chính quyền cần phải có biện pháp quyết liệt hơn trong việc bảo vệ rừng, không nên để rừng biến mất nhiều thêm nữa.
Theo Tuổi trẻ.