Đề nghị công nhận 3 bảo vật quốc gia Đài thờ Mỹ Sơn E1, Đài thờ Trà Kiệu và tượng Bồ Tát Tara vừa được UBND Đà Nẵng lập hồ sơ đề nghị công nhận là bảo vật quốc gia.

Chiều 21/7, UBND thành phố Đà Nẵng cho biết đã chỉ đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Điêu khắc Chăm xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận bảo vật quốc gia cho 3 hiện vật nói trên.

Đề nghị công nhận 3 bảo vật quốc gia _0
Đài thờ Mỹ Sơn E1. Ảnh: M.N

Đài thờ Mỹ Sơn E1 có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 7-8, là hiện vật gốc độc bản, còn tương đối nguyên vẹn. Đây là cứ liệu quan trọng cho việc nghiên cứu các vấn đề văn hóa, tín ngưỡng, điêu khắc và kiến trúc của di tích Mỹ Sơn nói riêng và Chămpa nói chung.

Đài thờ Mỹ Sơn E1 miêu tả nhiều nhân vật, cảnh sinh hoạt, thiên nhiên, động vật..., là căn cứ quan trọng để nghiên cứu về đời sống tâm linh, xã hội của Chămpa cổ đại, đặc biệt là việc giao lưu văn hóa giữa các nước trong khu vực.

Cách thức điêu khắc trên đài thờ Mỹ Sơn E1 được các nhà nghiên cứu nghệ thuật xem là tiêu biểu cho một phong cách ổn định sớm nhất trong lịch sử phát triển nghệ thuật điêu khắc Chămpa, gọi là phong cách Mỹ Sơn E1.

Đề nghị công nhận 3 bảo vật quốc gia _1
Đền thờ Trà Kiệu. Ảnh: Minh Nhật

Đài thờ Trà Kiệu có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 7-8, là hiện vật gốc độc bản, tiêu biểu cho sự tồn tại của một khu kinh thành và thờ tự của người Chămpa cách đây hơn 1000 năm ở Trà Kiệu.

Đặc biệt, hiện vật này còn giữ được nguyên vẹn bốn mặt, trên đó chạm khắc thể hiện hoàn chỉnh một chủ đề trong thần thoại, là cơ sở quan trọng cho các chuyên gia khi nghiên cứu, so sánh về tín ngưỡng, phong cách nghệ thuật Chămpa.

Đề nghị công nhận 3 bảo vật quốc gia _2
Tượng Bồ Tát Tara. Ảnh: M.N

Tượng Bồ tát Tara bằng đồng có niên đại vào thế kỷ thứ 9, là hiện vật gốc độc bản. Theo kết quả khai quật khảo cổ, vào khoảng cuối thế kỷ thứ 9, tại Đồng Dương (Quảng Nam) đã có một Phật viện lớn.

Các di tích nền móng cho thấy đây là Phật viện lớn nhất của Vương quốc Chămpa. Văn bia tìm thấy ở Đồng Dương có nói đến việc vua Chămpa Indravarman II đã cho xây dựng ở đây một phật viện và một đền thờ để thờ Bồ tát Laksmindra Lokesvara vào năm 875.

Theo VnExpress.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC