75.000 người Việt Nam chết do ung thư mỗi năm, 200 người chết mỗi ngày. Đó là nỗi đau lớn mà nhiều gia đình Việt Nam đang phải gánh chịu. Chưa dừng lại ở đó, người mắc bệnh ung thư thì khó sống, còn người ở lại tiếp tục phải oằn mình trả nợ.​

Chi phí điều trị ung thư quá lớn

Đó là một thực trạng không tránh khỏi đối với hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh ung thư. Đối với các bệnh nhân được BHYT chi trả, chi phí đi lại, ăn uống, thuốc men cũng đủ trở thành gánh nặng do thời gian điều trị ung thư kéo dài, thuốc men đắt đỏ. Và ung thư đã khiến cho không ít người lâm vào cảnh “nghèo hóa” vì chưa kịp/không mua BHYT.

Bà Nguyễn Thị D (Phúc Thọ, Hà Nội, đang chăm sóc chồng ở Bệnh viện K cơ sở Tân Triều) cho biết: Hàng trăm triệu đã không cánh mà bay khi chồng bà mắc bệnh ung thư gan. Chủ quan không mua BHYT, mọi chi phí gia đình phải tự chi trả nên bắt buộc phải bán một số tài sản có giá trị và vay tiền bạn bè, người thân. Bản thân bà và nhiều bệnh nhân khác phải ngủ hành lang, hoặc gầm cầu thang của bệnh viện để chăm sóc chồng, vì mỗi đợt điều trị kéo dài hàng chục ngày, nếu thuê nhà trọ thì rất tốn kém.

Rất nhiều gia đình khác đã lâm vào cảnh nợ nần, kiệt quệ về kinh tế khi một thành viên trong gia đình mắc bệnh ung thư. Chi phí điều trị từng loại ung thư đều ở mức cao. Khi nói về gánh nặng chi phí điều trị ung thư, PGS-TS Trần Thanh Hương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu ung thư, Bệnh viện K - cho biết: “Chi phí trực tiếp của đợt điều trị hiện tại của tất cả người bệnh trong một nghiên cứu chỉ rõ, chi phí từ hộ gia đình chiếm đến 48%; chi phí từ Chính phủ 27%, còn chi phí từ bảo hiểm y tế chỉ 

chiếm 25%.

42 1 Den Nam 2020 Viet Nam Se Co Gan 200000 Ca Ung Thu Mac Moi

Ung thư khiến cho những người phụ nữ này kiệt quệ về sức lực và tài chính.Ảnh: THÙY LINH

 

Trong khi đó, chỉ có 61,3% số bệnh nhân tham gia nghiên cứu có BHYT nhà nước, 13,8% số bệnh nhân có BH cá nhân, 2,8% số bệnh nhân có BH LĐXH, 22,9% số bệnh nhân không có bảo hiểm.

Kể từ khi phát bệnh, gia đình bệnh nhân phải vay mượn bạn bè hay người thân (63,5%); sử dụng tiền tiết kiệm mà lẽ ra được dùng vào việc khác (27,2%); vay ngân hàng hay các tổ chức khác (19,9%); bán đi tài sản hoặc phương tiện vận chuyển (13,7%)… chỉ vì cần tiền để trang trải cho việc điều trị ung thư”.

Con số 22,9% số bệnh nhân không có bảo hiểm không phải là các bệnh nhân nghèo do hầu hết hộ nghèo, cận nghèo đều được BHYT chi trả cho các chi phí y tế. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân này đã nhanh chóng bị “nghèo hóa” vì chi phí điều trị ung thư rất tốn kém.

“Trong số những việc đã từng làm trong 12 tháng khi cần tiền cho sinh hoạt phí, có đến 66,72% số bệnh nhân phải đi vay tiền, 22,19% phải bán đi tài sản của mình để trang trải chi phí trong quá trình điều trị ung thư” - bà Hương cho biết.

Theo PGS Thanh Hương, sau 12 tháng điều trị, 228 bệnh nhân trên 558 bệnh nhân ban đầu không có vấn đề về kinh tế có đủ dữ liệu và còn sống thì có đến 41% số bệnh nhân xuất hiện khó khăn về kinh tế; 24,4% số bệnh nhân phải đi vay tiền; 14,87% số bệnh nhân phải dùng tiền tiết kiệm mà trước đó được dành để làm việc khác để chữa ung thư, số còn lại đều phải yêu cầu hỗ trợ tài chính từ bạn bè, gia đình hoặc bán đi tài sản, thậm chí chuyển nhà để có tiền chữa bệnh”.

Việc bệnh nhân không thể mua thuốc; chi phí xét nghiệm hoặc tư vấn y tế; không thể thanh toán hóa đơn tiền ga; không thể thanh toán chi phí đi lại, ăn uống, thậm chí cả tiền học phí cho con… là những khó khăn về kinh tế mới xuất hiện sau 12 tháng mà các bệnh nhân ung thư gặp phải. Đây là một nỗi lo lắng không chỉ của các gia đình có bệnh nhân ung thư, mà còn của cả xã hội.

Theo đánh giá, gánh nặng kinh tế của 6 bệnh ung thư tại Việt Nam năm 2012, tổng gánh nặng kinh tế trực tiếp gây ra do 6 loại bệnh ung thư là 25.789 tỉ đồng, chiếm 0,22% tổng GDP.

Ung thư - vì đâu nên nỗi?

GT-TS Nguyễn Bá Đức - Phó Chủ tịch Hội Ung thư VN - cho rằng, nguyên nhân làm tăng tỉ lệ ung thư hiện nay gồm ô nhiễm các chất độc hại, thuốc trừ sâu trong quá trình sản xuất nông sản thực phẩm, hóa chất bảo quản, rồi quá trình chế biến sử dụng thực phẩm cháy, thực phẩm hun khói, hay việc người dân ăn uống thiếu khoa học, ít rau xanh, hoa quả…

Tại một cuộc hội thảo mới đây do Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế phối hợp với Viện Nghiên cứu ung thư tổ chức, TS Trương Đình Bắc - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - cho biết, 75.000 người Việt Nam chết do ung thư mỗi năm, 200 người chết mỗi ngày.

Một kết quả điều tra của Bộ Y tế cho thấy, Việt Nam có khoảng 77,3% số nam giới và 11% số nữ giới sử dụng rượu bia. Trong đó, có 44,2% số nam giới và 1,2% số nữ giới uống ở mức nguy hại. Mà ethanol trong rượu bia là chất gây ung thư đối với người.

Rượu bia là chất gây ra các bệnh ung thư khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ. Những người uống càng nhiều thì nguy cơ ung thư càng tăng. Sự phát triển ung thư thường xuất hiện sau khi bắt đầu uống từ 2 năm trở đi, thậm chí ngay cả sau khi đã cai rượu” - ông Bắc nhấn mạnh.

Còn PGS-TS Trần Thanh Hương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu ung thư - cho hay, mỗi năm ước tính Việt Nam có 100.000-150.000 trường hợp mới mắc và khoảng 75.000 trường hợp tử vong do ung thư. Đến năm 2020, dự kiến Việt Nam sẽ có gần 200.000 ca ung thư mắc mới. Có nhiều nhóm gây ra các bệnh ung thư, trong đó, có nhóm tác nhân liên quan tới ăn uống, uống rượu, bia, chế độ ăn uống không hợp lý và ô nhiễm thực phẩm là một nhóm được đặc biệt lưu ý.

“Khi rượu vào cơ thể chuyển hóa thành acetaldehyde, một chất gây ung thư. Việc uống rượu sẽ làm tăng acetaldehyde trong nước bọt, làm tổn thương gene ở các tế bào niêm mạc miệng, họng, thực quản và đường hô hấp trên. Rượu còn làm tăng khả năng hấp thu các chất gây ung thư, kích thích cơ thể sinh ra các phân tử hoạt tính cao, gây tổn thương gene tế bào dẫn đến ung thư…” - PGS-TS Trần Thanh Hương khuyến cáo.

 

Nguồn: THÙY LINH

Laodong.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC