Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận 4 người tử vong do mắc tay chân miệng.

Thông tin này được đưa ra trong công văn Bộ Y tế gửi các UBND tỉnh, thành phố nhằm tăng cường công tác chống dịch tay chân miệng tại một số địa phương.

Cụ thể, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 17.451 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó, 4 trường hợp tử vong tại Kiên Giang (2), An Giang (1) và Long An (1).

So với cùng kỳ năm 2020, số ca mắc tay chân miệng tăng 4 lần, chủ yếu ở khu vực miền Nam và một số tỉnh, thành như TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang.

Tay chân miệng tại Việt Nam là dịch quanh năm, lây truyền qua đường tiêu hóa và đã ghi nhận ở hầu hết 63 tỉnh, thành. Thời gian bùng phát dịch mạnh chủ yếu vào tháng 4-5 và tháng 9-10 hàng năm. Trẻ dễ bị nhiễm bệnh do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo.

42 1 Dich Tay Chan Mieng Bung Phat Phuc Tap

Tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng tại Việt Nam với 17.451 trường hợp được ghi nhận từ đầu năm 2021 đến nay.

Trước tình hình dịch tay chân miệng đang gia tăng phức tạp tại nhiều địa phương, Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe tới người dân về các biện pháp phòng bệnh; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; ăn sạch, ở sạch và giữ vệ sinh đồ chơi cho trẻ; đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở giáo dục phải có đủ vật dụng rửa tay, xà phòng. Chúng phải được đặt ở vị trí thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay bằng xà phòng thường xuyên.

Các cơ sở giáo dục cần vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt bàn ghế học tập và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường.

Ngành y tế tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, xử lý triệt để tránh dịch lây lan ra diện rộng; phân tuyến điều trị tại bệnh viện, hạn chế chuyển tuyến bệnh nhân trong khả năng điều trị nhằm giảm quá tải cho cơ sở y tế tuyến trên.

Đặc biệt, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong vì tay chân miệng. Các bệnh viện cần tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở điều trị, nhất là phòng nhiễm chéo tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và đường hô hấp khác.

Theo Zing




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC