Doanh thu hàng tỷ đồng mỗi tháng, trong khi chi phí đầu tư (thuê gian hàng điện tử, nâng cấp, đăng tải thông tin…) không lớn, nhiều doanh nghiệp đang háo hức với hình thức kinh doanh trên mạng tưởng "làm chơi" mà "ăn thật".
Không tốn một đồng thuê mặt bằng, nhưng các website chuyên về giao dịch trực tuyến như: Vatgia.com, Enbac.com, Muare.vn, Rongbay.com, muaban.net, 123mua.com.vn… gần đây vẫn thu hút hàng trăm nghìn khách hàng tìm đến mua - bán mỗi ngày.
Đầu tư 1, thu về 10
Chỉ với 5 triệu đồng phí thuê gian hàng điện tử trên trang Vatgia.com trong 6 tháng thuê, cộng thêm phí rao vặt trên các trang mạng không quá tốn kém, anh Nguyễn Đình Khuy, chủ gian hàng Vườn Sâm tiết lộ, doanh thu mỗi tháng của cửa hàng anh không dưới một tỷ đồng, gấp 200% chi phí thực tế.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Phú Quang, ông Nguyễn Minh Hoàng, chủ gian hàng điện tử Phú Quang Digital khẳng định, từ khi kiếm được tiền một cách “ngon lành” trên internet, doanh nghiệp (DN) này đẩy mạnh marketing và phủ rộng thông tin trên nhiều diễn đàn để “chăm sóc” cho gian hàng điện tử của mình.
“Giao dịch trên mạng chiếm đến 80% doanh số bán ra của công ty, tương đương một tỷ đồng/tháng. Trong khi, tổng chi phí đầu tư trên các kênh để hỗ trợ gian hàng điện tử chỉ chiếm 30% doanh thu. Xét về lâu dài, đây không phải là khoản đầu tư đáng kể nhưng lại mang lại hiệu quả thiết thực”, ông Hoàng cho biết.
Với công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghệ Quốc tế Á Châu, từ một cửa hàng chuyên giao bán thiết bị số đến bước tiến về doanh thu - bình quân 7 tỷ đồng/tháng nhờ kinh doanh trên mạng - đang là con số đáng ao ước với nhiều DN điện tử tư nhân khác. Trước xu hướng “hái” ra tiền nhờ kinh doanh trên mạng, một số DN đang rục rịch mở rộng đầu tư thời gian, công sức chăm chút cho hoạt động kinh doanh trên mạng hơn là phát triển mạng lưới bên ngoài.
33% doanh thu của DN từ đơn hàng trên mạng
Lý giải về việc các DN ngày càng “ăn nên làm ra” với hoạt động bán hàng trên mạng, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (Bộ Công thương), cho rằng: “Đây là xu hướng tất yếu vì những người trẻ, có tri thức và thu nhập ổn định - lực lượng truy cập internet cao nhất, luôn sẵn sàng trải nghiệm với hình thức mua - bán mới, vốn không tốn công sức đi lại, tìm hiểu”.
Cũng theo ông Quyền, tính đến hết năm 2009, 33% doanh thu của DN trên cả nước là nhờ các đơn hàng trên mạng.
Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho thương mại điện tử và công nghệ của DN nhìn chung vẫn thấp, chỉ tương đương 5% tổng chi phí kinh doanh của DN. “Nhiều DN không triển khai giao dịch điện tử hiệu quả vì thiếu cán bộ có năng lực, am hiểu trong lĩnh vực này. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp thiệt hại đáng tiếc do mua bán ảo trên mạng”, ông Quyền cho biết.
Thực tế, cùng với sự nở rộ của kinh doanh trên mạng, gần đây, nhiều cư dân mạng trên các diễn đàn cũng liên tục cảnh báo về nguy cơ bị mất tiền oan khi mua hàng trên mạng. Còn nhớ, năm ngoái chỉ với một chiêu thức đơn giản là lập website quảng cáo máy ảnh, đề nghị người mua trả trước 20%, hàng trăm khách hàng bị một sinh viên lừa 300 triệu đồng. Hay như trường hợp nickname Giunlun lừa đảo bán ví xách Marc Jacobs dỏm, thu của khách hàng đến 1.640 USD rồi lặn mất tăm cũng từng khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc trang Vatgia.com cho biết, trong hai năm hoạt động, sàn này gặp hai vụ khách hàng không nhận được sản phẩm như chất lượng rao bán, phải bồi thường cho khách.
Theo ông Điệp, trong khi luật pháp về vấn đề này còn thiếu thì doanh nghiệp nên thành lập các gian hàng đảm bảo, hoặc mua bảo hiểm cho các giao dịch online. Còn theo ông Nguyễn Minh Hoàng, nếu tạo được uy tín, lợi nhuận thu về sẽ lớn gấp nhiều lần so với việc hám lợi vài triệu đồng mà mất khách. Cái tâm đi trước, cái tầm sẽ theo sau.
Theo Đất Việt.