"Đời con, cháu phải tiếp tục khẳng định chủ quyền Hoàng Sa"Trao đổi với Phó đô đốc, Tư lệnh quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Văn Hiến bên hành lang QH về vấn đề chủ quyền biển đảo và tiến ra biển khơi.

- Trong những buổi thảo luận tổ tại Quốc hội vừa rồi, khá nhiều đại biểu có đề nghị tăng ngân sách cho vấn đề biển đảo. Như vậy thì vấn đề biển đảo đang cần những nguồn ngân sách như thế nào?

Từ ngày có chiến lược biển đảo thì ngân sách biển đảo đã được cải thiện thêm. Nhưng hiện nay chúng ta phải tiến mạnh ra biển, muốn làm giàu về biển thì chúng ta phải tăng ngân sách hơn nữa. Ngân sách cho cả lực lượng khai thác biển xa bờ, kể cả lực lượng bảo vệ biển để cho đáp ứng được chiến lược biển.

Dân tộc mình là dân tộc có rất nhiều lợi thế về biển, nhân dân mình cũng có truyền thống đi biển rất tốt. Vì vậy, ta phải có cách để khai thác biển một cách có hiệu quả và làm chủ được biển một cách lâu dài. Trước mắt là làm chủ về kinh tế, rồi bảo vệ các lực lượng ra biển.

- Đảng và Nhà nước luôn luôn xác định: Chúng ta phải tiến ra biển. Nhưng hiện tại, đang có những bàn luận rằng: Việt Nam đang tiến ra biển với tư duy đất liền: làm ăn tủn mủn, tính đoàn kết của ngư dân thì không cao.... Điều đó tạo ra khó khăn trong việc khai thác biển? Lực lượng Hải quân đóng vai trò gì trong việc này?

Thứ nhất, lực lượng hải quân tham mưu cho Đảng và Nhà nước nên tiến ra biển như thế nào, để vừa kết hợp làm chủ biển về kinh tế và bảo vệ vững chắc cho hoạt động kinh tế đó. Thứ 2 là bảo vệ cho lực lượng làm kinh tế như dầu khí, thủy sản, du lịch biển... Thứ 3 nữa là Hải quân tham gia trực tiếp làm kinh tế trên biển như vận tải biển, cảng biển, nuôi trồng thủy sản.

Hải quân đã làm thí nghiệm, tiên phong đi trước, sau đó bàn giao công nghệ đó cho các ngành kinh tế quốc doanh.

Theo tôi, trước đây chúng ta tiến ra biển rất tốn kém mặc dù có mang lại các nguồn lợi. Trước đây chúng ta khai thác biển là chủ yếu, Bao nhiêu năm nay, chúng ta có mấy chục phần trăm ngân sách là từ biển, như dầu khí, chưa kể du lịch, chưa kể nuôi trồng thủy hải sản, chưa kể vận tải biển.

Chúng ta cứ dựa vào thế tự nhiên có mà chúng ta khai thác được, nhưng chúng ta chưa nghĩ đến việc đầu tư lại cho biển để chúng ta khai thác một cách cơ bản hơn và được nguồn lợi tương lai lớn hơn  nhiều.

- Thưa ông, rõ ràng thế mạnh khai thác biển, tiến ra biển là tư duy làm giàu cho tương lai. Nhưng trong vấn đề tranh chấp biển Đông vừa rồi, đặc biệt là quãng thời gian giữa mùa cá vừa qua Trung Quốc "cấm biển" một thời gian dài, ảnh đến đời sống ngư dân, hàng loạt tàu cá xa bờ phải nằm lại ở Quảng Nam, Đà Nẵng... Theo ông, muốn giải quyết vấn đề này thì lực lượng Hải quân phải đóng vai trò như thế nào?

Trước hết, bảo vệ ngư dân ở những vùng biển của ta thì phải bảo vệ vững chắc, để ngư dân hoạt động một cách an toàn. Còn vùng biển đang có tranh chấp, phía ta yêu cầu chủ quyền, phía nước ngoài cũng yêu cầu chủ quyền thì chúng ta nên hoạt động, tôn trọng Tuyên bố chung về ứng xử Biển Đông (DOC).

Điều đó có nghĩa là chúng ta không dùng vũ lực mà giữ nguyên hiện trạng, giải quyết bằng đàm phán hòa bình.

Những cái mà nước ngoài vi phạm với ta, chúng ta đấu tranh bằng pháp lý, ngoại giao, yêu cầu họ thực hiện những cam kết để bảo vệ ngư dân ở những vùng đó. Chúng ta mà dùng vũ lực thì trái với DOC, không có lợi cho việc giữ vững hòa bình.

Chúng ta phải giáo dục ngư dân ta không xâm phạm vùng biển nước khác. Hiện nay, nói thật là ngư dân ta cũng nhiều khi xâm phạm vùng biển các nước trong khu vực như Indonexia, Malaysia, Philippine. Ngư dân ta khi đánh bắt hải sản cũng sang đó rất nhiều.

- Ông vừa nói hải quân sẽ đóng vai trò tham mưu và đang trực tiếp bảo vệ vùng biển. Nếu như bây giờ đặt vấn đề, Đảng và Nhà nước cần tham mưu về vấn đề xác định lãnh hải và bảo vệ ngư dân trên biển thì Hải quân phải làm gì?

Hiện nay hải quân vẫn bảo vệ, bảo vệ toàn bộ. Chẳng hạn bảo vệ từng điểm một, những vùng "nóng" thì hải quân duy trì ứng trực. Nhưng chúng ta không thể đáp ứng một tàu cá là có một tàu chiến đi kèm theo được. Chúng ta bảo vệ điểm "nóng", ví dụ bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý là bảo vệ toàn bộ vùng biển. Trường hợp có từng điểm cứu nạn thì Hải quân sẽ cử người ra cứu nạn. Vừa rồi chúng tôi đã phải cử người ra khắp biển Đông như vùng Đài Loan, Philippin... để cứu nạn ngư dân.

Còn trường hợp những điểm nóng, ví dụ như những vùng tranh chấp mà nằm trong vùng biển của ta thì chúng ta phải đẩy các lực lượng nước ngoài ra vùng ngoài. Hiện nay hải quân bảo vệ liên tục, bảo vệ thủy sản, dầu khí, ngư dân. Trường hợp tồn tại tranh chấp thì chúng ta đấu tranh bằng hòa bình.

20091029 02 35 51 0
Trung tướng Nguyễn Văn Hiến trò chuyện với ĐBQH ngành KHCN,
bàn cách đưa các ứng dụng KHCN ra với các điểm đảo ở Trường Sa.
Ảnh: Trường Minh.

- Tôi đã từng may mắn được đặt chân ra Trường Sa và thấy  được đời sống anh em ngoài đó rất khó khăn. Vậy thì giao nhiệm vụ lớn hơn nữa cho hải quân trong nguồn ngân sách hạn hẹp thì hải quân làm sao đáp ứng nổi yêu cầu nhiệm vụ?

Hiện nay nhu cầu để nâng cao đời sống bộ đội, khả năng phòng thủ đảo xa là rất lớn. Vì vậy ngân sách đảm bảo hiện nay đang rất là khó khăn. Vì vậy, chúng tôi đang kiến nghị thành lập quỹ vì biển đảo, trong đó có Trường Sa, DK1... Các doanh nghiệp, địa phương có điều kiện thì nên có trách nhiệm, hỗ trợ để đảm bảo cho các hoạt động phòng thủ, nâng cao đời sống.

- Hiện nay, UBND TP.Đà Nẵng đã thành lập UBND huyện đảo Hoàng Sa. Vậy thì trong vấn đề Hoàng Sa, Bộ tư lệnh Hải quân quan tâm như thế nào?

Trong vấn đề Hoàng sa thì Bộ tư lệnh Hải quân đề nghị: đấy là vùng tồn tại tranh chấp, là biển đảo của ta nhưng hiện tại nươc ngoài chiếm đóng thì ta đấu tranh, khoanh vùng nước Hoàng Sa, Trường Sa lại và yêu cầu: Đấy là vùng đang tồn tại tranh chấp.

Chúng ta thực hiện DOC, và chúng ta tiếp tục đấu tranh về pháp lý, lịch sử, các hoạt động kinh tế để chúng ta khẳng định chủ quyền.

Vấn đề này giải quyết chắc là  còn lâu dài.

- Thưa trung tướng, ông là người đại diện cho Bộ Tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam. Nếu như có một cậu học trò hỏi ông rằng: "Thưa chú, cháu muốn ra thăm Hoàng Sa", thì ông sẽ trả lời như thế nào?

Câu trả lời của tôi, và tất cả những người lính Hải quân luôn là: "Hoàng Sa là của Việt Nam chúng ta". Cháu có nguyện vọng như thế là tốt, có ý thức về chủ quyền dân tộc, biển đảo của đất nước.

Tuy nhiên, Hoàng Sa thì trước mắt là chưa nên vì đang bị nước ngoài chiếm đóng hoàn toàn. Vì vậy mà chúng ta chưa có điều kiện ra ngoài ấy được. Chúng ta tiếp tục đấu tranh để khẳng định chủ quyền lâu dài. Đời con, đời cháu vẫn phải tiếp tục khẳng định chủ quyền.

Nhưng cháu hãy luôn nhớ rằng "Hoàng Sa là của chúng ta".

- Xin cảm ơn ông!

Theo Tuần Việt Nam.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC