Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã đi qua, người dân đang trở về nhịp sống thường nhật. Thế nhưng, những dư âm đẹp về Đại lễ tại Thủ đô nghìn năm văn hiến sẽ còn mãi trong tâm trí của những người con đất Việt xa quê.
“Ấn tượng nhất trong tôi là sự thanh lịch của người Hà Nội”
Gặp ông bà Nguyễn Quốc Vọng và Nguyễn Thanh Tuyền (Việt kiều Australia) tại khách sạn Kim Liên, nơi dừng chân của đoàn kiều bào trong suốt 10 ngày đại lễ, chúng tôi đã được nghe chia sẻ những cảm xúc của ông bà về quãng thời gian được có mặt trong không khí thiêng liêng khi Thủ đô nghìn tuổi.
Tại Australia, bà Tuyền đang là giám đốc Công ty Tyvonie Corporation còn ông Vọng hiện là giáo sư, tiến sĩ giảng dạy tại Đại học Rmit. Là những người con đất Việt thành đạt nơi xứ người, hai ông bà vẫn luôn hướng về tổ quốc và cống hiến cho quê hương đất nước.
Hàng năm, bà Tuyền đều dành thời gian trở về nước hoạt động từ thiện giúp đỡ những trẻ em nghèo, trẻ em mồ côi học tập và ổn định cuộc sống. Ông Vọng hiện đang phối hợp với trường Đại học Nông Nghiệp I giảng dạy cho nhiều thế hệ sinh viên trong nước.
Vợ chồng ông Vọng, bà Tuyền - Việt kiều Australia
Bà Tuyền chia sẻ ấn tượng sâu sắc nhất về Hà Nội những ngày qua bằng giọng nói Nam Bộ ấm áp: “Tất cả các hoạt động đoàn kiều bào tham gia như lễ diễu hành, duyệt binh hay dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, tham quan những di tích, danh lam thắng cảnh tại Thủ đô cũng như các tỉnh lân cận… khắp mọi nơi đều đông kín người cả mà đa phần là lớp trẻ. Thủ đô Hà Nội của chúng ta đẹp quá, đẹp vì cảnh sắc, vì trang hoàng và còn đẹp bởi chính nụ cười hiếu khách và thân thiện trên môi các bạn trẻ”.
“Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã cho tôi trở về với nguồn cội”
Dẫn đầu dòng họ Lý Hoa Sơn, ông Ly Hi Uyên (Hậu duệ đời thứ 31 vua Lý Thái Tổ) cùng với các anh em họ hàng dòng tộc trở về Việt Nam tham dự Đại lễ theo lời mời của Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao.
Theo chân đoàn bà con kiều bào ngay từ những hoạt động đầu tiên trong dịp đại lễ, chúng tôi đặc biệt xúc động trước sự thành kính của những hậu duệ nhà Lý tại một đất nước xa xôi trở về dâng hương lên các bậc tổ tiên tại Đền Đô - Bắc Ninh.
Đúng một nghìn năm trôi qua, bao triều đại, thành quách đã trở nên nhạt nhòa với thời gian. Chỉ có sự ngưỡng vọng và tôn kính của con cháu hướng về với cội nguồn, tổ tiên vẫn mãi mãi còn lại.
Ông Ly Hi Uyên: Đại lễ làm chúng tôi hiểu sâu sắc thêm về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”
Khi được hỏi về ấn tượng sâu đậm nhất trong suốt 10 ngày tham dự Đại lễ tại Thủ đô Hà Nội, ông Uyên thay mặt các anh em trong họ hàng dòng tộc xúc động trả lời: “Tất cả các hoạt động trong dịp Đại lễ mà chúng tôi được tham dự đều để lại ấn tượng không bao giờ phai mờ. Nhưng nghi lễ tái hiện lại cảnh vua Lý Công Uẩn cùng hoàng hậu trên xe rồng rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long vào sáng ngày 10/10 đã khiến chúng tôi vô cùng xúc động”.
“Sau đại lễ, tôi muốn trở về Tổ quốc nhiều hơn nữa”
Là một Việt kiều sinh ra tại Thái Lan, bà Lương Thu Thảo khiến nhiều người ngạc nhiên bởi khả năng sử dụng tiếng Việt thành thục như bất cứ một người Việt Nam nào.
Với tâm niệm tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, bà chia sẻ sự trân trọng và gìn giữ tiếng Việt thiêng liêng ấy với chúng tôi: “Tôi nói được nhiều thứ tiếng, nhưng từ nhỏ trong gia đình, ba mẹ tôi vẫn giữ truyền thống dân tộc chỉ có nói tiếng Việt. Cũng trong gia đình, các anh, chị có nhiệm vụ dạy lại đàn em, thế hệ trước dạy tiếng Việt cho thế hệ sau... cố giữ cho các em mình không quên nòi giống, Tổ quốc”.
Bà Lương Thu Thảo: "Tôi sẽ khoe với bạn bè rằng Việt Nam quê hương tôi có Thủ đô ngàn năm văn hiến".
“Tôi cũng sẽ kể với bạn bè, người thân của tôi về Đại lễ nghìn năm ý nghĩa, về những nơi tôi đã cùng đoàn Việt kiều tiêu biểu đã đến thăm lần này như Đền Vua Đinh, Vua Lê, chùa Bái Đính, chùa Tiêu Sơn, đền Đô, tham gia đoàn diễu hành... về tình cảm của người dân quê hương cũng như sự đón tiếp, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với những người con xa quê chúng tôi.
Tôi sẽ khoe với bạn bè rằng Việt Nam quê hương tôi có Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đất nước tôi đang đổi thay từng ngày, người dân nước tôi hiền hòa, hiếu khách. Sau Đại lễ tại Thủ đô, tôi muốn được trở về Tổ quốc nhiều hơn nữa!” - bà Thảo nói trong tâm trạng vui mừng khôn xiết.
Theo Dân trí.