Du lịch khốn vì… vệ sinh!Quảng Bình ngày càng thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, vì có nhiều danh lam thắng cảnh. Thế nhưng, việc xây dựng và dọn dẹp khu vệ sinh cho khách chưa được quan tâm khiến du khách hết sức ngại...

Muốn... cũng phải chờ!

Theo thông tin từ Trung tâm Du lịch văn hóa - sinh thái Phong Nha - Kẻ Bàng, sáu tháng đầu năm 2009, có 60.328 lượt khách du lịch đến tham quan tuyến du lịch động Phong Nha - Tiên Sơn. Trong đó, có 60.012 lượt khách trong nước, 316 lượt khách quốc tế. Doanh thu từ việc bán vé trên 6,2 tỉ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, tuyến du lịch sinh thái Nước Moọc mới đưa vào khai thác đã thu hút được 1.768 lượt khách. Từ cuối tháng 4 đến nửa đầu tháng 8, khách đến Phong Nha nhiều nhất, có ngày lên đến 3.500 - 4.000 người, sân để xe của trung tâm du lịch luôn chật kín.

Vì mùa hè nên nhu cầu đi vệ sinh, rửa ráy của khách rất lớn. Theo ghi nhận của chúng tôi, hệ thống nhà vệ sinh của 2 bến thuyền trên đường vào động Phong Nha - Tiên Sơn hiện khá tốt, do trước đây có quá nhiều phàn nàn về việc này. Nhà vệ sinh nam nữ tách biệt, hệ thống xả nước tự động và luôn có nhân viên chuyên trách dọn dẹp, lau chùi.

Thế nhưng, bên cạnh đó, có một điều nan giải mà Trung tâm Du lịch văn hóa - sinh thái Phong Nha - Kẻ Bàng chưa giải quyết được là khi du khách vào trong động. Hiện trong hệ thống động Phong Nha và Tiên Sơn đều không có nhà vệ sinh. Vấn đề đặt ra là: nếu khi vào động mà muốn "chuyện ấy" thì làm sao?

Tiếp xúc nhiều trường hợp, chúng tôi được biết chỉ có cách "nín thở" cho đến khi không chịu được nữa thì "đi" tại chỗ luôn. Tính từ lúc du khách bắt đầu vào cửa động Phong Nha đến lúc trở ra, thời gian không phải ngắn. Thực tế đã có không ít tình huống oái oăm xảy ra.

Đơn cử như trên một chiếc thuyền vào động sáng 25/8, khi vào sâu trong động, một bé gái cứ bấu áo mẹ đòi đi "tè". Dù bà mẹ dỗ dành thế nào, em bé cũng không chịu nên mẹ đành tìm góc khuất "giải quyết" cho con. Trẻ con là thế chứ người lớn thì… Có người phải bỏ tham quan, cuốc bộ ra trước bến thuyền ở khu vực trước cửa động để "giải quyết".

Khi "chuyện đã rồi" trong động, cán bộ của trung tâm du lịch phải ra tay múc nước dội rửa. "Cứ vài ba ngày, chúng tôi phải dội rửa một lần. Mặc dù trước khi lên thuyền vào động, chúng tôi và lái thuyền đều thông báo, hướng dẫn du khách đi vệ sinh trước" - một cán bộ nói.

Hỏi, trong thời gian này, nếu có người đau bụng thì sao? Chúng tôi nhận được một cái lắc đầu.

Và một điều nữa là du khách phải đi thuyền dọc trên sông Son từ trung tâm đón khách đến cửa động mất khoảng hơn 30 phút, nếu trong thời gian này mà ai đó "muốn" thì phải làm sao? Khi đặt vấn đề này, cán bộ trung tâm du lịch cũng chỉ lắc đầu!

Lên núi thiêng mất thiêng

Không chỉ gặp "khó" ở động mà du khách đi nhiều điểm khác tại Quảng Bình như suối nước nóng Bang (H.Lệ Thủy), bãi tắm Đá Nhảy (H.Bố Trạch), núi Thần Đinh (H.Quảng Ninh) hay các điểm tham quan di tích lịch sử cũng vấp phải tình cảnh tương tự.

Trong thời gian gần đây, lượng khách đến núi Thần Đinh ngày càng nhiều. Sau khi leo hết 1.260 bậc đá cao sừng sững ngỡ như du khách đã "chạm tới trời" ở chốn bồng lai tiên cảnh. Trên núi vẫn còn dấu tích chùa Kim Phong với những lưu truyền linh thiêng; gần nền chùa cũ là giếng Tiên nước mát lạnh, chảy mãi không cạn từ một mạch rất nhỏ.

Ngành văn hóa, du lịch và chính quyền địa phương đã đầu tư xây dựng như làm đường lên núi…, thế nhưng, người ta lại quên mất việc làm khu vệ sinh, vừa để thuận tiện cho du khách vừa đảm bảo vệ sinh ở nơi sạch sẽ, trong lành này. Cho nên, khi đã leo lên đỉnh núi mà "muốn" thì chỉ có cách "đi" vào bụi cây vì không thể nín nhịn mà cũng không thể chờ xuống núi bởi núi quá cao.

Những ngày lễ, rằm khách đến đông, ai đi cũng mang theo đồ đạc lỉnh kỉnh để ăn uống giải khát và dâng hương. Vì không hề có thùng đựng rác, nhà vệ sinh nên tất cả đều thải ra tự nhiên. Như thế lại tác dụng ngược, làm ô uế chốn linh thiêng.

Theo Thanh niên.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC