Thời gian gần đây, có khá nhiều bài viết đề cập đến những tồn tại, vấn nạn của ngành du lịch Việt. Đa số các ý kiến đều thừa nhận những mặt còn yếu kém trong cách làm du lịch của người Việt. Có một điểm chung mà tôi nhận thấy từ những ý kiến này, đó là hầu như tất cả đều lấy Thái Lan làm đối trọng để so sánh với du lịch nước nhà.
Về mặt khách quan, nhận định này đúng là không sai, chúng ta còn thua kém nước bạn về nhiều mặt trong hoạt động tổ chức du lịch. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách khách quan, trên một bình diện rộng lớn hơn, tôi tin câu chuyện sẽ rất khác.
Trong quá trình phát triển, bất kỳ quốc gia nào cũng phải trải qua những giai đoạn khó khăn, đối mặt với nhiều vấn nạn, tiêu cực nhất định. Ngành du lịch cũng không là ngoại lệ. Tất cả những vấn đề nhức nhối như nạn chặt chém, trộm cắp, thủ tục visa, ô nhiễm môi trường, vệ sinh công cộng... ở quốc gia nào cũng xuất hiện, chứ không chỉ riêng gì Việt Nam. Chỉ khác ở chỗ, nhiều nước hơn chúng ta ở chỗ họ biết cách nhìn thẳng vào vấn đề và đồng lòng nỗ lực để triệt tiêu các vấṇ nạn.
Ví dụ đơn giản như Singapore, vài chục năm về trước, họ cũng rất ô nhiễm, nhiều ao tù nước đọng. Nhưng ngày nay, bằng tất cả nỗ lực của đất nước, họ đã đã trở nên sạch sẽ hơn nhiều, người dân luôn đề cao ý thức bảo vệ môi trường, thiết lập hệ thống tuần tra để xử lý vấn nạn xả rác bừa bãi...
Nhìn về du lịch Việt hiện tại, có lẽ ai trong số chúng ta cũng quá rõ về những vấn nạn đang hiện hữu. Vấn đề là chúng ta có sẵn sàng chung tay xóa bỏ những điều đó hay không mà thôi. Tôi tin rằng, những chê bai, miệt thị sẽ không giúp du lịch nước nhà thay đổi được diện mạo. Điều chúng ta cần là thời gian và công sức của cả một hệ thống từ cấp quản lý đến người làm dịch vụ và cả toàn dân.
Du lịch vốn dĩ là một ngành kinh tế, Thái Lan làm du lịch thành công vì biết cách phát huy hết thế mạnh của mình. Nhưng nên nhớ, nền kinh tế bao gồm rất nhiều ngành nghề khách nhau, có liên hệ chặt chẽ, và du lịch không phải là tất cả. Việt Nam có lợi thế đông dân hơn, dân số cũng trẻ hơn Thái Lan rất nhiều. Nước ta cũng có thể phát huy các ngành khác như công nghiệp nặng, sản xuất hàng hóa, thương mại - tài chính, dịch vụ... Đó là những ngành mà Thái Lan chưa thể đẩy mạnh ở thời điểm hiện tại.
Lời cuối, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là người Việt cần phát huy đúng thế mạnh của mình, cùng nhau hành động để xóa bỏ những yếu kém, vấn nạn. Du lịch Việt cần thêm thời gian để khắc phục và vươn tầm, đó là nhiệm vụ không đơn giản và không thể vội vã. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn xa hơn, hướng tới những mục tiêu lớn hơn như bao giờ kinh tế của đất nước sánh ngang với Hàn Quốc, Nhật Bản thay vì mãi loanh quanh với bài toán du lịch Việt cạnh tranh được với Thái Lan.
Nhan Nguyen