Hầu hết các ĐBQH đều thống nhất quan điểm cần phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, dừng xây trụ sở dưới mọi hình thức.

 

Xót xa

Có cái nhìn tổng quát hơn, ĐBQH Nguyễn Văn Thanh (Vĩnh Long) phân tích nhiều vấn đề liên quan. Thứ nhất, về chủ trương xây dựng trụ sở, ông nói đây là vấn đề không xấu.

Thứ nhất, về chủ trương xây dựng trụ sở, ông nói đây là vấn đề không xấu. Tuy nhiên, ông Thanh cho biết cần phải dựa trên những tiêu chí chuẩn hóa của từng loại đô thị, từng địa phương để xác định các tiêu chí rõ ràng, phù hợp với điều kiện phát triển cụ thể của từng khu vực.

Vị đại biểu Vĩnh Long kể lại câu chuyện ông chứng kiến trong chuyến công tác ở các địa phương được xếp loại nghèo nhất nước, ông cho biết: Ông bị choáng ngợp bởi sự hoành tráng, xa hoa của những công trình phục vụ các cơ quan công quyền.“Người dân sẽ khó chấp nhận quy mô một trụ sở cơ quan công quyền lại quá nguy nga, hoành tráng trong khi đời sống của người dân còn nghèo, các công trình phục vụ dân sinh còn nghèo, thiếu thốn… Như vậy sẽ rất phản cảm, xa rời nhân dân”, ông Thanh nói.

Bước vào những tòa nhà như vậy, ông được chứng kiến những nội thất quá sức uy nghi, sang trọng. Thái độ của cán bộ khá niềm nở, vui tươi, thoải mái. Bản thân ông đã cảm nhận được một mức sống giàu sang, đời sống người dân ấm no, hạnh phúc.

Ông cũng không quên tưởng tượng tới những điều kỳ diệu, học sinh được tới trường, được ăn ngon, mặc đẹp, trạm xá, bệnh viện đầy đủ… Riêng ông cũng vui vì lòng hiếu khách, hào phóng tiếp đãi của tỉnh bạn.

Điều ông không thể tưởng tượng khi rời bước khỏi những trụ sở hoành tráng đó lại là những mảnh đời sống quá thiếu thốn, vất cả khiến ông trước vui một giờ lại trăn trở gấp mười lần.

“Khi ra với người dân, tôi mới thấy họ vất vả quá. Khó khăn quá. Mà sao trụ sở các cơ quan lại hoành tráng quá, uy nghi quá, xa rời người dân quá”, ông xót xa.

Về chủ trương xây dựng theo hình thức BT hay xin ngân sách nhà nước, ông Thanh khẳng định cả hai hình thức này vẫn là từ tiền ngân sách mà ra. Có chăng chỉ khác nhau ở chỗ: Ngân sách rót về trực tiếp và ngân sách chi trả gián tiếp, theo lộ trình thông qua hình thức xây dựng – chuyển giao.

Phải hiểu rằng, khi xây dựng theo hình thức xây dựng – chuyển giao có thể nguồn lực của nhà nước không phải rót về trực tiếp, tuy nhiên địa phương sẽ phải đổi lại cho nhà đầu tư một nguồn lực khác. Có thể là đất, cũng có thể là công trình, hoặc đổi trụ sở cũ… tất cả vẫn là tài sản của nhà nước, cũng chính là tài sản của dân.

Ông Thanh nói: "Đây vẫn là tiền từ những đồng thuế người dân đóng góp vì vậy cần phải trân trọng, sử dụng đúng mục đích.

Nhà nước luôn kêu gọi thắt lưng buộc bụng, dồn nguồn lực để đầu tư phát triển, chăm lo cho đời sống người dân, cho phát triển kinh tế chung… như vậy có lẽ thực tế hơn".

ĐBQH Nguyễn Văn Thanh cho biết thêm, trong bối cảnh đất nước còn nghèo, người dân vẫn chịu khổ được thì các địa phương khi xây dựng trụ sở cần phải lắng nghe, tiếp thu một cách thấu đáo ý nguyện của người dân.

Đành rằng, trụ sở làm việc của mỗi địa phương là phải có nhưng quy mô phải phù hợp, tương thích với đời sống, điều kiện phát triển của từng khu vực.

Phải lắng nghe ý nguyện của dân

ĐBQH Bùi Thị An cho biết, quyết định của Thủ tướng dừng xây trụ sở lấy nguồn đầu tư phát triển kinh tế là rất đúng đắn, hợp với lòng dân. Vì vậy, khi đã có chỉ đạo của Thủ tướng bắt buộc các địa phương phải thực hiện nghiêm.

Bà nhấn mạnh, dù đầu tư theo hình thức nào, lấy kinh phí từ đâu cũng cần rà soát tổng thể. Cái gì cần thì ưu tiên trước, cái gì chưa cần có thể lùi lại sau.

“Hãy nhìn trường học còn thiếu, cầu, đường chưa có, trạm xá đang cần… phải chăng nên cân nhắc, chia sẻ giữa các tỉnh với nhau”, vị nữ đại biểu mong muốn tình người, tình đoàn kết dân tộc sẽ được thể hiện, gắn bó hơn qua những việc này.

Bà An kết luận, để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật các địa phương cần tôn trọng và thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Về việc mới có hai địa phương là Nghệ An và Cần Thơ tiên phong đi đầu dừng lại chủ trương xây dựng trụ sở, còn một số địa phương lấy lý do được xây dựng theo hình thức BT nên không nằm trong diện phải dừng lại, ĐBQH Đỗ Văn Vẻ nói rằng với hình thức nào cũng vẫn là tiền của dân, do đó phải có sự tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng. Tránh tình trạng lãng phí.

Ông Vẻ cũng tin tưởng khi đã có chỉ đạo của Chính phủ chắc chắn các địa phương sẽ thực hiện một cách nghiêm túc.

Lam Lam




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC