Ngay khi phản ánh việc khách hàng bị “ép" mua bảo hiểm: không mua, chấm dứt khoản vay, bị "gài" thế buộc phải… tự nguyện mua bảo hiểm khi vay vốn, nhiều bạn đọc lập tức chia sẻ các trải nghiệm không mấy vui vẻ.

1 Ep Mua Bao Hiem Ai Co Di Vay Moi Biet Uat Uc Tuc Gian The Nao

Một khách hàng cho biết vì sợ không được giải ngân nên chấp nhận mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn tại ngân hàng - Ảnh: B.MAI

"Ai có đi vay mới biết uất ức tức giận thế nào. Do cần tiền gấp cho kinh doanh, lấy giấy tờ nhà thế chấp, bị giam hoài vì không chịu mua bảo hiểm. Khi ngân hàng thông báo phải mua mới giải ngân thì mới bấm bụng mua", bạn đọc có tài khoản Im scare chia sẻ. 

Và theo bạn đọc này: "Mặc dù đã tốn 20 triệu đồng/năm cho phí bảo hiểm nhưng năm sau vay tiếp thì cũng bắt mua tiếp cho... vợ, con, người thân, hoặc đầu tư bảo hiểm. Mua bảo hiểm mà không cần ký tên, không giữ hợp đồng luôn".

Việc này đã xảy ra nhiều năm nay, có hàng trăm nghìn khách hàng rơi vào cảnh bị ép mua bảo hiểm mới được cho vay hoặc vay lãi suất ưu đãi hơn đối với những người không mua bảo hiểm kèm theo. Mong báo Tuổi Trẻ có những phóng sự điều tra để làm sáng tỏ sự việc để cứu giúp người dân thoát khỏi cảnh một cổ nhiều tròng khi đi vay vốn như hiện nay.Trích ý kiến bạn đọc Toàn

Còn theo bạn đọc Dũng Trần thì: "Mặc định vay ngân hàng là phải mua bảo hiểm thì bên ngân hàng họ mới cho vay tiền. Nếu không đồng ý khoản tiền mua bảo hiểm là một năm thì ngân hàng từ chối tiếp nhận khoản vay của hộ cá nhân". 

Nói về trải nghiệm của mình, bạn đọc có tài khoản Phạm cho biết: "Tôi từng bị như thế với nhiều hợp đồng bảo hiểm, ít nhất là 20 triệu đồng, nhiều là 100 triệu đồng".

Bạn đọc Người Sài Gòn cũng kể: "Tôi vay mua căn hộ, sau khi đã đặt cọc mới gặp cán bộ ngân hàng, lúc đó mới biết phải thực hiện thêm các giao dịch: mua bảo hiểm nhân thọ, mở thẻ tín dụng, tài khoản số đẹp và đóng bảo hiểm phòng chống cháy nổ thì mới được vay. Bây giờ đã đặt cọc, nếu hủy hợp đồng sẽ bị công ty bất động sản phạt rất nặng và thời gian hoàn trả tiền cũng rất lâu nên tôi phải chấp nhận thực hiện cho dù trong số đó tôi không có nhu cầu bất kỳ khoản nào!".

Trong khi đó, tài khoản Mimi bức xúc: "Mình cần tiền vay của ngân hàng, lãi đã cao còn bắt mua bảo hiểm 15 triệu/năm".

"Tôi đã vay và bị y chang như vậy", bạn đọc có tài khoản TH... chia sẻ. Cụ thể, bạn đọc cho biết bị ép mua bảo hiểm, hoặc "đủ các kiểu" khác, còn không thì không duyệt khoản vay. Cho dù bên bảo hiểm ra các điều kiện không thuận lợi cho khách hàng về chăm sóc sức khỏe.

Bạn đọc Ngọc Thắm kể chi tiết: Gia đình có đi vay ngân hàng và phải mua hợp đồng bảo hiểm, với mức phí 31 triệu đồng/năm. Tuy nhiên sau đó lãi suất cao, đáo hạn qua vay ngân hàng khác thì bị bắt mua hợp đồng bảo hiểm với phí 35 triệu đồng/năm. Trong khi trước đó bạn đọc cũng đã tự mua cho mình một hợp đồng bảo hiểm 24 triệu đồng/năm, như vậy tổng một năm gia đình bạn đọc này phải đóng 90 triệu đồng phí bảo hiểm. Chưa tính đến việc phải trả vay hơn 60 triệu đồng/tháng.

Trải qua sự việc, bạn đọc này đề nghị báo Tuổi Trẻ bám sát đề tài, để: "Ngân hàng Nhà nước phải thực sự nghiêm túc can thiệp sự việc này, Ngân hàng Nhà nước đừng nói chay nữa. Người vay đã quá khổ rồi".

"Cái gì đã ép rồi thì cũng chỉ là làm cho có lệ, không đi kèm chất lượng và sự đảm bảo. Mình tự nguyện mua bảo hiểm còn chưa tới đâu chứ huống hồ bị ép", bạn đọc Minh Phan nêu quan điểm.

Trước sự việc trên, bạn đọc Nguyễn Thưởng đề nghị Nhà nước có chế tài xử lý ngân hàng ép buộc dân mua bảo hiểm. Bởi: "Người dân khổ mới vay tiền, mà ngân hàng ép buộc mua bảo hiểm nữa thì càng khổ thêm".

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC