Vài tháng gần đây, khi game online được đưa lên bàn nghị sự thì hàng loạt diễn đàn ngay lập tức ra đời, chung quy cũng là để trả lời câu hỏi: Bản chất của game online là gì? Có phải chính game online là thủ phạm gây ra hàng loạt tiêu cực trong giới thanh thiếu niên mấy năm gần đây?
Đổ hết tội cho Game online, có thỏa đáng?
Hiện nay người ta nói nhiều về tiêu cực của game online, nhiều người cho rằng nó là một hoạt động gây nghiện có tác hại to lớn. “Con ma game online” khiến con giết cha mẹ, cháu giết ông, học sinh thành kẻ thủ ác, nó khiến nhiều người bỏ ăn, quên ngủ, đầu óc mụ mị, thân thể suy kiệt, nó làm con người ta thành những kẻ hiếu chiến, lẫn lộn giữa thật và ảo… Tóm lại, có vô số tác hại mà kể ra tến ... kinh hoàng. Nhưng đổ hết tội lỗi lên đầu game online có thỏa đáng không?
Có nhiều ý kiến cho rằng, game online đơn thuần là một hoạt động giải trí như bao hoạt động khác như chơi đàn, xem tivi, đá bóng… Từ khi ra đời năm 1991, game online đã nhanh chóng trở thành xu thế giải trí được ưa chuộng trên toàn thế giới. Bằng chứng là trong một cuộc khảo sát của VnExpress năm 2006 thì có tới 47% số người bình chọn cho rằng game online là hình thức giải trí hấp dẫn và thu hút nhất.
Quan điểm cho rằng game online khiến giới trẻ, đa số là những người chưa có khả năng kiểm soát đầy đủ hành vi và tâm lý của mình, bị sa đà vào thế giới ảo, đánh mất bản thân cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều
Theo anh Huỳnh Trà Thắng, 21 tuổi và đã từng chơi game từ 5 năm trước: “Game online cũng có mặt tốt của nó. Một nhóm bạn cùng chơi game thì cũng vui đấy chứ. Nhiều người kết bạn qua game online, thấy hợp tính rồi thành bạn thân luôn. Bản thân tôi cũng có vài người bạn như vậy…”.
“Nhiều khi đọc báo thấy mấy bài phê phán game online tôi cũng không khỏi có chút bất bình. Bản chất game online là một hình thức giải trí. Người lớn thường sợ game online tới mức cấm tiệt con em họ trong khi họ cũng chưa thật sự biết rõ game online là thế nào, chỉ mới nghe mọi người phê phán mà thôi. Thật ra nếu chơi game lành mạnh và phù hợp với lứa tuổi, tôi nghĩ trẻ em sẽ thông minh hơn, vì một số trò chơi giúp phát triển khả năng suy nghĩ, làm việc, anh Thắng chia sẻ kinh nghiệm.
Tạo bản lĩnh để ngăn cái xấu
Theo các nhà chuyên môn, không thể phủ nhận tính hấp dẫn và cuốn hút của game online nhưng không thể lấy đó làm nguyên nhân chính cho các hoạt động tiêu cực do người chơi gây ra. Trong khi nguyên nhân từ chính bản thân game thủ và lối giáo dục truyền thống thì chưa được đánh giá đúng mức.
Không chơi game, trẻ thiếu bản lĩnh cũng tìm đến những thú tiêu khiển khác |
TS Nguyễn Thị Oanh có viết trong tác phẩm tâm lý xã hội Thanh niên-Lối sống rằng: chính cách giáo dục bao cấp và bao bọc quá đáng của người lớn sẽ gây ra hậu quả là “hai thái cực: một là những con người không có bản lĩnh, hai là những con người nổi loạn”. Những thanh thiếu niên dù không có bản lĩnh hay nổi loạn thì cũng đều dễ dàng bị ảnh hưởng bởi cái xấu. Không chỉ riêng gì cái xấu trong game online, cái xấu ở đây có muôn hình vạn trạng, từ bài bạc, cá độ ăn tiền, đua xe, ma túy,... Cũng chính vì sự thiếu tự tin và bản lĩnh mà nhiều người trẻ tuổi đánh mất mình trong thế giới thật, sa đà vào trò chơi dẫn đến nghiện game online.
Như vậy cấm game online hay đóng máy chủ vào những giờ nhất định là những biện pháp chưa hoàn toàn triệt để hay thỏa đáng để ngăn chặn game xấu hoặc tác hại của game xấu. “Tôi không cho rằng cấm game online sẽ hạn chế được tiêu cực xã hội. Dường như game online chỉ là một trong các lý do mà bọn tội phạm dùng để biện hộ cho mình. Chủ yếu là do bản thân ý thức người chơi thôi.”- bạn Thắng bày tỏ quan điểm.
Trong một bài phát biểu của mình trên chuyên trang công nghệ TED, TS Jane McGonigal, người được tạp chí BusinessWeek bình chọn là một trong 10 người có những sáng tạo quan trọng nhất năm 2009, đã nêu lên một số đặc điểm của game như sau: Game rất có ích cho cuộc sống; Game không hoàn toàn là phí phạm thời gian và vô bổ; Chơi game để thoát khỏi các áp lực trong cuộc sống là xu hướng hiện nay của nhiều người; Chơi game cũng góp một phần vào việc giải quyết các khủng hoảng xã hội hiện nay.
Đặt câu hỏi: Nếu cấm game online thì điều gì sẽ xảy ra? Cái xấu sẽ biến mất theo? Bạn Trịnh Quốc Tuấn, một sinh viên 22 tuổi cho rằng: “Cấm game online hoàn toàn sẽ càng gây tò mò. Cái quan trọng là giáo dục ý thức cho người chơi. Dù game online bị các hình thức quản lý về giờ chơi nhưng ý thức của một số người không thay đổi thì tiêu cực vẫn có thể xảy ra. Trước khi có game online thì game offline đã tràn lan...”.
Để giải quyết các hạn chế trong game online, Thắng cho rằng: “Tôi đồng ý với ý kiến giới hạn độ tuổi với các game có nhiều hình ảnh bạo lực và hạn chế từ ngữ thô tục trong game. Chẳng hạn một vài game thô tục, bạo lực”.
Hướng đi đúng đắn là tạo sân chơi và giáo dục thanh thiếu niên tự tin và sống tốt với bản thân mình, để họ từ bỏ các hành động nổi loạn. Nếu chỉ đơn giản là cấm game online mà không giải quyết việc này triệt để thì bộ phận thanh thiếu niên đó có thể sẽ lại sa chân vào một vũng lầy tăm tối khác mà họ tự tạo ra.
Theo VNN.