8h sáng nay Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã thắp ngọn lửa thiêng, giữa âm thanh hào hùng của dàn trống, cồng, chiêng, mở màn cho ngày khai hội đại lễ 1000 năm. Hàng nghìn khách mời, người dân đã có mặt ở Hồ Gươm.
Thời tiết khu vực Hà Nội hôm nay khá mát mẻ, chỉ một số nơi có mưa nhỏ. Đường phố quanh Hồ Gươm và trên các phố lân cận thoáng đãng, lòng đường không có ôtô đỗ như ngày thường. Các phương tiện bị cấm vào phố Đinh Tiên Hoàng, đoạn từ Điện lực Hà Nội và ngã tư Tràng Tiền - Hàng Khay và từ đoạn khách sạn Metrophole, Cung thiếu nhi Hà Nội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã thắp ngọn lửa thiêng
Từ 6h sáng nhiều người dân tập trung bên ngoài hàng rào để chờ đợi vào tham dự lễ khai mạc, tuy nhiên, chỉ có khoảng 1000 khách mời được tham dự. Hầu hết khách mời đều phải kiểm tra an ninh. Trong đó có khá nhiều xe ôtô gắn biển ngoại giao của các đại sứ quán, tổ chức quốc tế.
Tại 5 sân khấu quanh hồ người dân háo hức chờ đón xem các chương trình nghệ thuật. Tại đây cũng đã tập trung hàng nghìn nghệ sĩ, diễn viên chuẩn bị cho các chương trình nghệ thuật lễ khai hội.
Trên đường phố Hà Nội, nhịp sống của người dân sớm hơn thường nhật, lo ngại tắc đường, 7h sáng nhiều con phố thủ đô đã khá đông đúc, lực lượng cảnh sát giao thông được tăng cường. Không chỉ các công sở, cửa hàng treo cờ, băng rôn, nhiều xe buýt, taxi cũng cắm cờ tổ quốc.
Theo kịch bản, sau lễ chào cờ và phát biểu khai mạc của lãnh đạo thành phố Hà Nội, Tổng giám đốc UNESCO sẽ trao bằng Di sản Văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long cho lãnh đạo thành phố Hà Nội. Kết thúc phần Lễ là nghi thức thả chim bồ câu.
Phần Hội sẽ diễn ra tại 5 sân khấu khu vực xung quanh Hồ Gươm và Quảng trường Cách mạng tháng Tám.
Sân khấu 1 (tại vườn hoa Lý Thái Tổ) với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, thành phố lịch sử truyền thống anh hùng”. Sau khi kết thúc chương trình tại đây, dàn quân nhạc sẽ di chuyển về phía sân khấu quảng trường Cách mạng tháng Tám, vừa đi vừa biểu diễn những tác phẩm, ca khúc về Thăng Long – Hà Nội.
Sân khấu 2 (tại Đền Bà Kiệu) với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô văn hiến”. Sân khấu 3 (tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục) với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, thành phố vì hòa bình.” Sân khấu 4 (tại ngã 3 Lê Thái Tổ - Hàng Trống) với chủ đề “Hà Nội, thành phố của hội nhập và phát triển”. Sân khấu 5 (ngã 4 Hàng Khay - Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài) với chủ đề “Hà Nội, trái tim của cả nước".
Ngày 30/9, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị và Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã trực tiếp thị sát lần cuối công tác chuẩn bị lễ khai mạc đại lễ.
Theo VnExpress.