Sáng 6/10, bảo tàng Hà Nội với hàng nghìn hiện vật của hơn 1000 năm lịch sử đã chính thức mở cửa đón khách tham quan. Tại sảnh tầng một có lưu giữ bức thư gửi tới mai sau, sẽ được mở ra sau 100 năm nữa.
Bảo tàng Hà Nội có kết cấu hình "kim tự tháp ngược", trong đó tầng bốn rộng nhất, các tầng dưới nhỏ dần. Mỗi tầng vươn ra bên ngoài so với tầng kề dưới 5 m. Hình khối kiến trúc này khiến công trình có kết cầu rất phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.
Với tổng diện tích gần 54.000 m2, tòa nhà bảo tàng cao 30 m, gồm 4 tầng nổi và 2 tầng hầm; diện tích xây dựng xấp xỉ 12.000 m2, diện tích sàn hơn 30.000m2 (kể cả tầng hầm và tầng mái), bảo tàng Hà Nội hiện có quy mô lớn nhất nước. Tổng vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng.
Bảo tàng Hà Nội được chứng nhận là công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long
Ngay tại sảnh chính tầng một của bảo tàng đã trưng bày bức tranh bằng đồng, trong đó là bức thư khắc chữ trên đồng kích thước 65x105 cm. Cũng tại tầng một có trưng bày hàng trăm loại gốm sứ của các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn.
Từ tầng hai đến tầng bốn là các khu trưng bày tiền Thăng Long, văn hóa Đông Sơn, các loại cổ vật, hiện vật về Hà Nội xưa... Cầu thang bên trong tòa nhà được bố trí theo vòng xoáy ốc giúp khách tham quan tiếp cận không gian rộng của các hiện vật lớn.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng, những hiện vật do cha ông để lại có bề dày lịch sử hàng nghìn năm, nếu không được bảo tồn và khai thác sẽ có tội với tiền nhân, có lỗi với thế hệ mai sau. "Bảo tàng Hà Nội hoàn thành đáp ứng nguyện vọng của người dân thủ đô, giúp người dân trong nước và quốc tế hiểu thêm về đất nước khi đến thăm bảo tàng", ông nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu đơn vị quản lý phải khai thác tối đa hiệu quả của bảo tàng, không để nơi đây trở thành kho chứa hiện vật.
Bức thư gửi tới thế hệ mai sau được đặt trong bức tranh bằng đồng.
Từ sáng sớm, bảo tàng Hà Nội thu hút khá đông du khách tham quan mặc dù đến gần 10h nơi đây mới chính thức mở cửa. Ông Nguyễn Bá Bích, ở phường Văn Miếu, cho biết đến xem triển lãm sinh vật cảnh trong khuôn viên bảo tàng và kết hợp tham quan bảo tàng ngày khai mạc và cảm thấy rất vui khi được chứng kiến sự kiện này.
"Xem những hiện vật lịch sử của cha ông xưa, tôi rất tự hào. Người dân trong và ngoài nước sẽ hiểu hơn về lịch sử của thủ đô Hà Nội", ông Bích nói.
Theo VnExpress.