Hà Nội sẽ có 5 tuyến đường sắt đô thị Các tuyến này sẽ nối trung tâm thủ đô với đô thị xung quanh như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Nguyên... Đây được coi là hướng đột phá trong phát triển giao thông đô thị Hà Nội đến năm 2020.

Tiến sĩ Lưu Xuân Hùng, Phó giám đốc Ban dự án Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có 5 tuyến đường sắt đô thị nối liền các khu nội đô với các đô thị xung quanh: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Nguyên...

Tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh) dài gần 40 km, phục vụ các khu vực ngoại thành phía Đông Bắc và Nam Hà Nội đi qua trung tâm thành phố.

Tuyến số 2 (Nội Bài - trung tâm thành phố - Thượng Đình) dài 35 km là xương sống cho khu vực đô thị hiện tại và tương lai. Kết nối với tuyến số 2 sẽ là tuyến đường sắt Hà Nội - Hà Đông, bắt đầu từ khu vực Cát Linh đến Ba La.

Tuyến số 3 (Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai) dài 21 km, nối khu vực phía Tây với trung tâm thành phố và phía Nam. Trong đó tuyến Nhổn - ga Hà Nội đang được chuẩn bị xây dựng.

Tuyến số 4 (Đông Anh - Sài Đồng - Vĩnh Tuy- Thanh Xuân - Từ Liêm - Thượng Cát - Mê Linh) dạng vòng tròn, kết nối với các tuyến số 1, 2, 3 và 5, đa dạng hóa nhu cầu giao thông và gắn kết với các dự án phát triển đô thị.

Tuyến số 5 (Nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc) có chức năng kết nối trung tâm thành phố với các đô thị dọc theo hành lang Láng - Hòa Lạc, với chiều dài là 34,5 km.

Ngoài ra, để hỗ trợ cho các tuyến đường sắt, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng thêm các tuyến xe buýt ưu tiên, gồm: tuyến 1 Ba La - Kim Mã, tuyến 2 Vĩnh Quỳnh - Hàng Bài.

Tiến sĩ Hùng cho biết, cấu trúc, phương thức, lộ trình và tiến độ thực hiện của từng tuyến sẽ được nghiên cứu cụ thể trong các giai đoạn nghiên cứu sau. Trong giai đoạn đầu, Hà Nội sẽ tập trung triển khai một số dự án trọng điểm nhằm giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông và tôn tạo cảnh quan đô thị.

Hiện Bộ Giao thông Vận tải và thành phố Hà Nội triển khai xây dựng tuyến 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi), tuyến 2A (Cát Linh - Hà Đông) và tuyến 3 (Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai)...

"Sau khi hoàn thành, hệ thống đường sắt đô thị của thành phố sẽ đóng vai trò chính trong vận tải hành khách công cộng tốc độ cao, khối lượng lớn", ông Hùng cho biết.

Theo VNE.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC