Khu 68 lô đất trong thôn được huyện Thanh Oai (Hà Nội) đưa ra đấu giá nhưng có đến hơn 80% bỏ cọc - Ảnh: DANH KHANG
Nội dung trên nằm trong công văn của UBND TP Hà Nội do Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông ký gửi tới các sở, ngành, các quận, huyện, thị xã về công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại thủ đô.
Công văn được gửi đi trong bối cảnh thời gian gần đây nhiều nhà đầu tư bỏ cọc khi trúng đấu giá các lô đất ở ngoại thành thủ đô với giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm.
Theo đó, Hà Nội chỉ đạo các đơn vị tiếp tục hoàn thiện quy định, nhấn mạnh hạn chế tổ chức đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở. Đồng thời, ưu tiên việc đấu giá đất có thu tiền sử dụng, cho thuê đất với đối tượng là tổ chức để thực hiện dự án đầu tư.
UBND TP Hà Nội đánh giá động thái trên sẽ giúp đảm bảo lựa chọn được chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền. Sau đó danh sách này sẽ được công khai trên trang thông tin của các huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Công an TP Hà Nội được giao nhiệm vụ xem xét các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện vi phạm về đấu giá đất. Ngoài ra, lực lượng công an cần đề xuất giải pháp ngăn chặn hoặc hạn chế việc tiếp tục tham gia đấu giá với các trường hợp trả giá trúng cao bất thường rồi bỏ cọc.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có trách nhiệm yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng phải kịp thời phối hợp, hướng dẫn các huyện tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình xác định giá đất.
Đối với các đơn vị tổ chức đấu giá đất, Hà Nội đề nghị cần xem xét việc quy định bước giá, hình thức đấu giá (đấu nhiều vòng bắt buộc) đảm bảo tính cạnh tranh và sát giá thị trường.
Đấu giá đất xong... lặn mất tăm
Vào tháng 8-2024, hàng ngàn bộ hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá 68 lô đất (giá khởi điểm từ 8,6 - 12,5 triệu đồng/m2) ở xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Sau đó có những lô đất được trúng đấu giá lên đến hơn 100 triệu đồng/m2, lô thấp cũng hơn 50 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đến nay chỉ có chủ nhân của 12/68 lô đất trúng đấu giá đến nộp tiền đúng tiến độ, số còn lại dường như đã bỏ cọc.
Cũng trong tháng 8, huyện Hoài Đức (Hà Nội) đưa ra đấu giá 19 thửa đất với giá khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2. Phiên đấu giá kéo dài xuyên đêm với giá trúng đấu giá lô cao nhất 133,3 triệu đồng/m2, lô thấp nhất 91,3 triệu đồng/m2 cũng thu hút sự quan tâm của dư luận.
PHẠM TUẤN
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online