Hai lần truy điệu vẫn… không chịu chếtLễ truy điệu vốn chỉ dành cho người chết. Vậy mà có người đã được truy điệu đến 2 lần nhưng... chưa chết

Ông già ấy vẫn sống khỏe, sống có ích và kể lại cho chúng tôi nghe về hai lần truy điệu ấy. Người đàn ông khó chết ấy là Lại Đăng Thiện ở xóm 6, xã Nghĩa Bình huyện Tân Kỳ - Nghệ An, chiến sỹ cảm tử quân năm xưa.

Coi cái chết là niềm tự hào


Sinh ra trong thời chiến, Lại Đăng Thiện như bao chàng trai khác đã bỏ lại ruộng vườn, cha mẹ, anh em… tham gia chiến trường khi vừa tròn 18 tuổi. Rồi ông được phân công vào Tiểu đoàn  27 – Công binh Quân khu 4. Câu chuyện cũng bắt đầu từ đó... Trong suốt 8 năm (1965 - 1973), công việc của ông “rất đơn giản”. Lái ca nô kéo theo một chiếc phà. Cố gắng làm sao chạm vào bom từ trường hay còn gọi là thủy lôi cho nó phát nổ. Nổ càng nhiều càng tốt. Và mỗi lần bom nổ có thể là một lần ông phải chết. Vậy mà 8 năm ấy…

Có lẽ chẳng ai muốn làm công việc ấy. Thế nhưng, với người đàn ông này  vinh dự. “Trong 8 năm, vinh dự nhất là những lần tham gia rà phá bom từ trường trên các bến phà cho xe chở Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tướng Đồng Sỹ Nguyên đi thị sát chiến trường miền Trung. Tôi cũng đã tham gia vào rà phá bom từ trường cho xe chở Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm Vĩnh Linh dịp Tết 1972”.

Hai trong những lần “vinh dự” đó, ông và các đồng đội đã được truy điệu sống, thứ vốn chỉ dành cho người chết. “Bọn mình được truy điệu sống là bởi xác định chắc chắn sẽ chết. Thế nhưng hoàn cảnh và tình yêu tổ quốc đã khiến bọn mình chấp nhận tất cả và coi đó như một vinh dự lớn lao.” Vừa kể ông vừa nhớ lại hai lần được truy điệu sống ấy.

“Chỉ còn vài phút để sống”

“Lần thứ nhất, tôi đươc truy điệu là tháng 11/1967, tại bến phà Long Đại (Hiền Ninh - Quảng Bình). Đã hơn 3 ngày đêm, phà Long Đại bị Mỹ thả bom từ trường dày đặc. Xe pháo của ta ứ lại ở phía bờ Bắc không thể tiếp viện cho chiến trường miền Nam.

Trong tình thế cấp bách lúc bấy giờ không còn cách nào khác lãnh đạo quân khu ra chỉ thị cho Tiểu đoàn 27 bằng mọi cách phải nổi bến, thông phà. Tiểu đoàn trưởng quyết định dùng ca – nô kích bom từ trường nổ. Với cách này đòi hỏi các chiến sỹ lái ca nô nhanh - khéo - mẹo và quan trọng hơn là tinh thần cảm tử.

Thế rồi tổ lái ca nô gồm tôi và các đồng chí Hà Huy Ty, Nguyễn Văn Thương, Đậu Anh Côi khi đó tuổi mới ở độ 20 đã được đơn vị làm lễ truy điệu sống. Lời điếu văn của đồng chí tiểu đoàn trưởng vừa dứt, lập tức chúng tôi giơ tay cùng hô vang: “Quyết tử cho Tổ quốc”.

Lắng đọng sau giây phút hô vang ấy, dù không nói ra ai cũng hiểu rằng có thể mình chỉ còn vài phút để sống. Sau một cái nhìn nhau “vĩnh biệt”, chúng tôi rú máy lao nhanh về phía bờ Nam… Thật kỳ lạ và hạnh phúc. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tất cả chúng tôi đều bình an trở về trong niềm vui kèm nỗi xúc động của đồng đội”. 

Hai lần truy điệu vẫn… không chịu chết_0
Lại Đăng Thiện đang chăm sóc cây cảnh hàng ngày

Nhấp một ngụm nước chè ông kể tiếp: “Lần thứ hai còn nguy hiểm, ác liệt hơn cả. Hôm đó vào ngày 18/ 2/1968, tại phà Linh Cảm (Hà Tĩnh). Tổ lái ca-nô gồm tôi và các đồng chí Đậu Anh Côi, Nguyễn Xuân Tình, Vũ Ngọc Chương. Tại đây chúng tôi được lệnh lái ca-nô thông phà.

Phà Linh Cảm nằm giữa ngã 3 Ngàn Sâu – Ngàn Phố, con đường vào Nam hoặc sang Lào đều phải qua đây. Đã hơn 2 ngày đêm bom từ trường Mỹ khống chế con đường huyết mạch này. Thế rồi chúng tôi được Phòng công binh Quân khu 4 tổ chức lễ truy điệu sống. Cũng có đầy đủ thủ tục đọc điếu văn, tuyên thệ… Thế rồi đồng chí Vũ Ngọc Chương đã ra đi mãi mãi sau lần truy điệu ấy. Đồng chí Đậu Anh Côi thì bị thương nặng.

Lúc đó nén đau thương vào lòng tôi và đồng chí Nguyễn Xuân Tình đã lái ca -nô tới 19 vòng, trong khi quy định mỗi chiến sỹ chỉ được lái 3 vòng, làm nổ 12 quả bom từ trường…Góp công lớn vào việc thông phà giúp xe pháo ta vượt qua phà để vào Nam”.

Sau năm 1968, Lại Đăng Thiện đã được tặng thưởng “Huân chương chiến công hạng 3”, “Bằng khen dũng sỹ phá bom ưu tú, “Chiến sỹ thi đua”.

Vết thương thủa ấy - nỗi đau bây giờ

Khi chiến tranh chỉ còn là ký ức, ông Thiện trở về quê với rất nhiều kỷ vật. Một trong số đó là tập nhật ký bằng thơ với gần 100 bài ca ngợi Đảng, các đồng đội…Vừa trò chuyện với chúng tôi ông vừa ngâm nga: Mỹ oanh kích bến phà ác liệt/ Giữa thời khắc tôi nhận ra cái chết/ Khi Đảng cần không một phút nghĩ suy/ …Giữa tiền tuyến/ Có máu tim ta!

Rồi cái tâm hồn thơ của người hai lần được truy điệu không chết ấy vẫn tiếp tục lai láng khi đã già. “Mảnh kim loại chìm vào máu thịt/ Nhức nhối đau – Trái gió trở trời/ Bốn mươi năm đã im trong tiếng bom rơi/ Chiến tranh trong cơ thể còn chưa chấm dứt/…( “Vết thương thủa ấy - nỗi đau bây giờ”

Chiến tranh đã gây ra rất nhiều đau thương nhưng cũng làm nên rất nhiều điều thần kỳ. Chia tay ông Thiện, chúng tôi vẫn nhớ mãi câu nói của ông: “Với tôi được như ngày hôm nay đã là may mắn, hạnh phúc gấp ngàn lần so với những đồng đội đã hi sinh vì Tổ quốc”.

Theo Bee.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC