13 hầm đường bộ trị giá hàng chục tỉ đồng ở Hà Nội đang bị người dân chiếm dụng làm chỗ ở, nơi tiêm chích...
Từ năm 2001, khi dự án đường Vành đai 3 (giai đoạn 1) đoạn từ Mai Dịch (quận Cầu Giấy) đến Linh Đàm (quận Hoàng Mai) do Ban Quản lý dự án Thăng Long - PMU Thăng Long (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư được khởi công đến nay đã có 13 hầm (mỗi hầm có mức đầu tư từ 2,5 – 3 tỉ đồng) dành cho người đi bộ đầu tiên ở Hà Nội.
Tuy nhiên, 3 - 4 năm trở lại đây, rất ít người chịu xuống hầm để qua đường. Thậm chí, nhiều hầm từ khi hoàn thành tới nay vẫn cửa đóng then cài và một số khác đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Anh Phạm Thái Văn (chạy xe ôm gần siêu thị BigC, quận Thanh Xuân) cho biết một số cặp vợ chồng đã xuống hầm... định cư. “Họ sống với đầy đủ tiện nghi và ra vào khóa cửa hầm như nhà riêng vậy”. Theo anh Văn, sau khi những người này chuyển đi nơi khác thì một số con nghiện làm nơi tiêm chích, hút hít.
Một lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định việc xây dựng hầm đường bộ là hợp lý nhằm hạn chế tới mức thấp nhất tai nạn cho người đi bộ khi băng qua đường. Tuy nhiên, do gặp một số vướng mắc nên đến nay vẫn chưa thể bàn giao hết cho TP Hà Nội quản lý. Ngoài ra, do ý thức của người dân còn hạn chế nên không chấp nhận dùng hầm đường bộ, nhiều người còn thường xuyên xuống hầm... tiểu tiện.
Trước thực trạng này, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở GTVT, Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu và bảo đảm giao thông tại các hầm đường bộ; tăng cường quản lý, chống lấn chiếm bán hàng rong và quảng cáo, rao vặt tại khu vực hầm...
Theo NLĐ.