Hạn chế dân cư dồn về thành phố lớnNgày 17-3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội về tình hình thực hiện các dự án đầu tư lớn của TP, các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông và việc chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Theo thông tin từ cuộc làm việc, các quy định nhằm hạn chế tình trạng dân cư đổ dồn về đô thị trung tâm cũng như tăng mức xử phạt giao thông sẽ được áp dụng chung cho nhiều đô thị lớn, trong đó có TP.HCM.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, tính đến nay trên địa bàn TP có trên 300.000 ôtô các loại, gần 4 triệu xe máy, khoảng 1 triệu xe đạp... Số lượng phương tiện giao thông cá nhân gia tăng quá nhanh (10-15%/năm), vượt quá khả năng của đường và các nút giao thông.

Còn theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, tình trạng ùn tắc giao thông ở thủ đô hiện nay không đơn thuần là chuyện đi lại khó khăn, mà đã trở thành sự bức xúc về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa ứng xử...

Tăng mức xử phạt để nâng cao ý thức

Trong số các biện pháp chống ùn tắc giao thông mà Hà Nội đã kiến nghị Thủ tướng, có việc nghiên cứu, xem xét, cho phép Hà Nội cùng Bộ Công an được triển khai thực hiện các giải pháp đặc thù về quản lý dân cư (dân số Hà Nội sau khi mở rộng là trên 6 triệu người - PV), hạn chế tình trạng dân cư đổ dồn về đô thị trung tâm, làm tăng áp lực đối với hệ thống giao thông đô thị.

Đồng thời ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả để từng bước hạn chế, tiến tới loại bỏ một số phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn thủ đô và một số TP lớn khác; tăng mức phí trước bạ, thu phí giao thông đối với các phương tiện cá nhân lưu hành trên địa bàn các TP lớn...

Bên cạnh đó là việc thực hiện cơ chế đặc thù trong việc xử phạt với mức xử phạt cao hơn quy định hiện hành đối với một số hành vi vi phạm quy định về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm... nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

“Khi đề cập mức phạt nặng hơn, có ý kiến cho là không nên vì người dân còn nghèo, nhưng nếu không có các biện pháp nhằm góp phần giải quyết bài toán giao thông để kéo dài tình trạng ùn tắc thì đất nước còn nghèo hơn nữa. Vì vậy, việc tăng mức phạt là cần thiết và có những hành vi cần bị phạt không chỉ gấp đôi mà gấp nhiều lần” - ông Phạm Quang Nghị nói.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cơ bản đồng ý về chủ trương với một số kiến nghị của TP Hà Nội nhằm chống ùn tắc giao thông. Cụ thể, Thủ tướng nói về quản lý dân cư, theo các cơ quan chức năng chưa phải sửa Luật cư trú, mà sửa nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật cư trú.

Hiện Bộ Công an đã trình Chính phủ việc sửa nghị định nêu trên, và nghị định sẽ sớm được ban hành để từng bước quản lý chặt chẽ hơn việc nhập cư vào TP lớn. Thủ tướng cũng cho biết văn bản quy định việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về giao thông được Bộ Tư pháp thẩm định về mặt hợp hiến, hợp pháp và “nay mai có thể ký được”.

Trước tình hình hỏa hoạn phát sinh phức tạp trên địa bàn Hà Nội thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý về chủ trương cho phép thành lập Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP Hà Nội. Đại diện Bộ Công an cho biết ngoài TP.HCM, tới đây sẽ xúc tiến thành lập thêm bảy sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy ở các tỉnh, thành.

Diễu binh kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long

Về việc chuẩn bị đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo nói theo quyết định của Thủ tướng có 65 công trình chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, trong đó có 62 công trình trên địa bàn Hà Nội.

Theo ông Phạm Quang Nghị, Hà Nội đang tích cực thực hiện cuộc vận động dẹp ba loại rác: thứ nhất là không đổ rác ra đường; thứ hai là xóa các loại “rác” quảng cáo, bôi bẩn trên tường, cột điện; thứ ba là dọn “rác trời”, tức là hạ ngầm dây điện, cáp viễn thông ở nhiều tuyến phố. Ông Nghị nói việc hạ ngầm hiện nay đòi hỏi kinh phí nhiều tỉ đồng cho mỗi kilômet.

Thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Lê Nam Thắng cho rằng không riêng Hà Nội mà cả TP.HCM khi thực hiện ngầm hóa cần có sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương, chứ riêng ngân sách các TP này thì rất khó. “Hiện chúng tôi đã xây dựng chỉ thị của Thủ tướng về thực hiện ngầm hóa, bên cạnh đó về thủ tục hành chính cũng cần được đơn giản hóa hơn vì các doanh nghiệp đào đường để ngầm hóa rất khó khăn do cứ đào vài trăm mét lại phải xin một giấy phép” - ông Thắng nói.

Lãnh đạo TP Hà Nội cho biết theo thông báo của Bộ Chính trị, việc diễu binh, diễu hành sẽ được tổ chức theo nghi thức quốc gia tại lễ mittinh trọng thể kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long vào sáng 10-10-2010 tại quảng trường Ba Đình.

TP Hà Nội cũng đề xuất Thủ tướng cho phép tổ chức khai mạc mười ngày đại lễ, sáng 1-10 được tổ chức tại vườn hoa Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm); đêm hội văn hóa nghệ thuật chào mừng 1.000 năm Thăng Long tối 10-10 được tổ chức tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình.

Theo Tuổi trẻ.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC