Hàng trăm cây mai anh đào chết khô ở Đà LạtHàng loạt cây mai anh đào, loài hoa đặc trưng của Đà Lạt, đang chết khô trên nhiều tuyến đường. Công ty quản lý công trình đô thị Đà Lạt cho rằng cây chết tự nhiên vì "ngủ đông không dậy được".

Thời gian gần đây, người dân địa phương và du khách khi đến với Đà Lạt tỏ ra rất nuối tiếc khi hàng loạt cây mai anh đào bỗng nhiên chết khô.

Công ty Quản lý công trình đô thị Đà Lạt đang chăm sóc 584 cây mai anh đào trên các tuyến đường trong thành phố. Tuy nhiên, theo ông Chu Tuấn Sơn, Phó giám đốc Công ty Quản lý công trình đô thị Đà Lạt, 134 cây đã chết và hư hại, tập trung nhiều nhất trên đường Hồ Tùng Mậu, Ba Tháng Tư, Trần Lê…

Không chỉ mai anh đào được trồng trên các tuyến đường do Công ty Quản công trình đô thị Đà Lạt quản lý, mà rất nhiều cây mai anh đào cổ thụ trong những dinh thự, nhà hàng trên đường Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Hoàng Diệu… cũng kéo nhau chết khô.

Theo Phòng Khoa học kỹ thuật Công ty Quản lý công trình đô thị Đà Lạt, hàng trăm cây mai anh đào bị chết là do cây ngủ đông không thức dậy được. “Vào dịp cuối năm, mai anh đào thường rụng hết lá để ngủ đông, sau thời kỳ này, những cây thức dậy sẽ sớm đơm bông. Bên cạnh đó, có những cây không thức dậy thì chết khô luôn. Đây là một hiện tượng chết tự nhiên của hoa mai anh đào”, ông Sơn cho biết:

Tuy nhiên, một số người dân trên đường Hồ Tùng Mậu và đường Ba tháng Tư, nơi có số lượng mai anh đào chết nhiều nhất, lại cho rằng hiện tượng cây chết hàng loạt chỉ mới xảy ra trong năm nay. Những năm trước đó chưa từng xảy ra tình trạng này: Ban đầu mai anh đào héo lá và rụng dần, một thời gian sau cây chết khô. Khi đào lên, toàn bộ gốc cây đã mục, rễ bị thối.

Ông Huỳnh Minh Xuyến, Chủ tịch Hiệp hội sinh vật cảnh Lâm Đồng cho biết, rất có thể mai anh đào chết là do một loài sâu bệnh nào đó gây ra. Ông Xuyến chia sẻ: “Qua quan sát, nhiều cây mai anh đào chết có rễ bị mục nát, dấu hiệu của sâu đục thân tấn công ở bên trong”.

Tuy nhiên, ông Xuyến cũng chưa thể đưa ra kết luận chính xác nguyên nhân nào làm cho mai anh đào bị chết. “Phải có đề tài nghiên cứu về hiện tượng mai anh đào chết hàng loạt trong thời gian vừa qua, mới biết được nguyên nhân”, ông Xuyến nhấn mạnh.

Theo VNE.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC