Miss%20universeThế giới dường như đã chán ngán những cuộc thi hoa hậu phù phiếm, phát ngấy với những màn múa may, đi đi lại lại rập khuôn trên sân khấu, cùng những câu trả lời ngô nghê trong phần thi ứng xử, kể cả ở những cuộc thi tầm cỡ như Miss World (Hoa hậu Thế giới) hay Miss Universe (Hoa hậu Hoàn vũ).

Hai tiếng sau khi kết thúc đêm chung kết cuộc thi Miss Universe 2011 tổ chức tại Brazil hôm 12/9 (13/9 theo giờ Việt Nam), cụm từ “Miss Angola” (ám chỉ Hoa hậu Angola giành vương miện) chỉ xếp thứ 7 trên bảng xếp hạng “trends” (xu hướng, tức các chủ đề được bàn luận nhiều nhất) của mạng xã hội Twitter.

Các trang tin tức hàng đầu thế giới như CNN, BBC... đều tịnh không có một dòng nào nói về kết quả của cuộc thi. Ngay cả những trang “lá cải” đình đám nhất như Daily Mail hay The Sun cũng không hề nhắc tới cụm từ “Miss Universe,” điều chứng tỏ độc giả phương Tây không hề quan tâm tới cuộc thi do chính họ khởi xướng trước đây.

Nhưng ở Việt Nam, “hoa hậu” vẫn luôn là một từ khóa được chú ý nhiều nhất trên mặt báo. Đêm chung kết cuộc thi Miss Universe 2011 được truyền trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia. Trang báo điện tử số 1 Việt Nam là VnExpress cũng truyền trực tiếp diễn biến của cuộc thi, đưa thành tin nổi bật nhất trên trang chủ. Mục Văn hóa, Giải trí trên trang tổng hợp thông tin Baomoi.com tràn ngập tin bài về cuộc thi này, thiếu điều chỉ kém vụ “cướp tiệm vàng ở Bắc Giang.”

Thậm chí, suốt cả tuần trước đó, các báo liên tục cập nhật chuyện người mẫu Hoàng My đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi diễn ra cách Việt Nam tới nửa vòng trái đất, với đủ mọi khía cạnh, từ chuyện đi đứng, ăn mặc cho tới những lùm xùm với một cô hoa hậu người Nga.

Chỉ cần gõ cụm từ “Hoàng My + Hoa hậu hoàn vũ” lên Google, bạn sẽ nhận được tới 6.370.000 kết quả chỉ sau có 0,18 giây! Điều đó đủ cho thấy người Việt Nam vẫn còn mê đắm với hội chứng hoa hậu đến mức nào, chả kém gì chuyện “giá vàng” lên hay xuống, hay bao nhiêu tiền một mớ rau muống ở ngoài chợ.

Nhưng liệu người dân có quan tâm tới cuộc thi đến mức “gây sốt” như vậy, nếu như truyền thông không nhiệt tình một cách thái quá? Vẫn biết việc báo chí tập trung khai thác vào những lĩnh vực mà bạn đọc quan tâm là điều bình thường. Nhưng điều cần nói là dường như báo chí đang bị giật dây (hay cố tình bị giật dây) bởi một số công ty người mẫu, muốn tận dụng những cuộc thi hoa hậu để đánh bóng cho gà nhà, cũng như tên tuổi của công ty.

Thế mới có chuyện một cô người mẫu đi dự cuộc thi “hoa hậu ao làng” cách đây chưa lâu ở Mỹ cũng “bỗng dưng” trở thành sự kiện lớn trên mặt báo; đồng thời cuộc thi còn được cả một tờ báo mang cái tên to tát như “Giáo dục Việt Nam” đứng ra bảo trợ thông tin!

Chả trách phần thi ứng xử của những cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam luôn là màn gây cười chẳng kém màn tấu hài của các Táo quân đêm 30 Tết, còn điểm Sử trong kỳ thi đại học thì thấp đến mức “thảm họa” (từ dùng của một số tờ báo).

Báo động mãi rồi, nhưng có thay đổi được gì đâu?

Theo baochivietnam.com.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC