"Đang chỉnh áo cho một bạn nữ thì ai cũng nhìn chằm chằm, tưởng mình sàm sỡ vì đang mang trang phục con trai. Mình phải nhoẻn miệng cười, mọi người mới biết", hoa khôi Trần Thị Gấm chia sẻ kỷ niệm vui về đam mê diễn hài.
Vừa tròn 20 tuổi, Trần Thị Gấm hiện là sinh viên năm thứ ba chuyên ngành Tâm lý học (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội). Hễ nhắc đến hài kịch là cô hoa khôi có chiếc răng khểnh dễ thương lại say sưa kể.
Từng tham gia đóng kịch từ hồi học phổ thông nên ngay năm đầu vào đại học, Gấm đã tham gia vào đội sân khấu của trường. Trong đêm chung kết cuộc thi Miss Nhân văn tháng 11 vừa qua, Gấm đã thể hiện rất thành công vai... Lý trưởng trong vở kịch Lý trưởng - Mẹ Đốp. Vai diễn giả nam trong vở kịch nổi tiếng này đã góp phần đưa Gấm đến với vương miện hoa khôi của trường.
Qua hơn 2 năm đại học, Gấm tham gia diễn kịch trong trong hầu hết chương trình của trường. Những buổi tham gia đóng kịch đã để lại cho cô không ít những kỷ niệm đáng nhớ. Với chiều cao hơn 1,7 mét và đặc thù của ngôi trường ít nam sinh, Gấm thường xuyên phải đóng vai đàn ông.
"Có lần, trong cuộc thi MC Nhân văn, mình đóng vai nam nên phải mượn từ áo sơ mi, quần âu, cà vạt, giày... Mặc xong, mọi người cứ lăn ra cười. Khi mình chỉnh áo cho một bạn nữ, mọi người tưởng mình là nam, cứ nhìn chằm chằm tưởng sàm sỡ. Mình phải nhoẻn miệng cười một cái cho họ biết là con gái", Gấm tươi cười kể về kỷ niệm vui khi gắn bó với đam mê của mình.
Cô hoa khôi trẻ tuổi cho biết, thần tượng của mình là nghệ sĩ Vân Dung. Bất cứ vai diễn nào của nghệ sĩ này trên chương trình Gặp nhau cuối tuần Gấm đều không bỏ qua.
Hành trình đến với ngôi vị hoa khôi của Gấm khá gian nan bởi cuộc thi Miss Nhân văn 2009 kéo dài hơn một tháng, thí sinh trải qua nhiều phần thi như sơ khảo, chụp ảnh ngoài trời, đêm hội tài năng... Vất vả nhất là phần thi tài năng, cô sinh viên năm thứ ba quyết định thay đổi từ múa Ấn Độ sang sở trường diễn hài. "Khổ nhất là phải đi giày cao gót, mình không quen nên chân sưng tấy cả lên", Gấm nhớ lại.
Đăng quang ngôi vị hoa khôi Nhân văn, cuộc sống của Gấm có ít nhiều thay đổi. Nhưng các bạn bè cùng lớp vẫn thấy Gấm giản dị và hòa đồng. Cô chia sẻ: "Mình thích là mình như bình thường thôi, như thế mới thấy thoải mái được".
Kể về ước mơ theo đuổi ngành tâm lý học, Gấm cười hồn nhiên cho biết, hồi phổ thông đọc báo Phụ nữ VN thấy cô Thanh Tâm tư vấn hay quá nên mong giống cô ấy, thế là ghi hồ sơ vào ngành này. Tuy thế, Gấm gặp phải không ít trở ngại do bố mẹ muốn cô thi vào sư phạm hay ngoại ngữ. Để theo đuổi ước mơ, Gâm phải thuyết phục bố mẹ rằng bây giờ nhiều tờ báo, tổng đài có mục tư vấn tâm lý nên không quá lo ngại chuyện xin việc, bố mẹ mới đồng ý.
Dẫu vậy, lúc đi học, Gấm mới nhận ra rằng, không chỉ "thích" và kiến thức xã hội là đủ. Để theo ngành này còn cần nhiều kiến thức về bộ môn sinh học. "Mới vào học, thấy mấy môn giải phẫu sinh lý người, tâm lý học thần kinh, mình hoa cả mắt, mãi mới quen được", Gấm cười nói.
Sau hơn 2 năm theo đuổi, hoa khôi Nhân văn thấy hạnh phúc vì ngành tâm lý đã giúp cô nhiều điều trong cuộc sống. "Mình hiểu tâm lý người khác hơn nên biết cách ứng xử trong các tình huống và nhìn những vấn đề cuộc sống cũng sâu sắc hơn", Gấm chia sẻ.
Theo VNE.