Hiện tượng bỏ học cũng có những dấu hiệu tích cực nếu những cấp lãnh đạo chính quyền ở những địa phương đó có trách nhiệm với thế hệ trẻ.
Các cấp lãnh đạo phải có những giải pháp kịp thời tạo điều kiện cho các em có nhu cầu lao động sớm để các em vẫn hoàn thành cấp học THCS, và lại có nghề để có thể lập thân lập nghiệp.
Bỏ học vì muốn có... xe máy, điện thoại di động...
Tình trạng học sinh phổ thông bỏ học mấy năm qua diễn biến phức tạp. Số học sinh bỏ học nhiều là học sinh cuối cấp THCS và đầu cấp THPT từ lớp 8 đến lớp 10. Địa bàn học sinh bỏ học ngoài những vùng điều kiện kinh tế còn khó khăn, còn có những vùng kinh tế bắt đầu phát triển, có những khu công nghiệp.
Đối tượng học sinh bỏ học ngoài những học sinh học lực yếu kém, điều kiện kinh tế khó khăn, còn có những học sinh hoàn cảnh kinh tế gia đình thuộc loại có điều kiện, hoặc nếu được sự hỗ trợ của địa phương, vẫn có khả năng theo học, nhưng các em lại bỏ học để đi lao động cải thiện đời sống gia đình, đáp ứng nhu cầu của bản thân như muốn có điện thoại di động, có xe máy... để lập thân lập nghiệp.
Theo số liệu của văn phòng Bộ GD và ĐT số học sinh đã giảm trong 3 năm học từ năm học 2006-2007 đến 2008-2009 là 1.158.841 học sinh trong đó học sinh THCS giảm 703.334, THPT giảm 159.391 học sinh.
Để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, nhiều địa phương đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, chính quyền và nhà trường đã có nhiều giải pháp giúp đỡ các học sinh học lực yếu, các học sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn như trợ cấp tiền đò, miễn học phí, cấp sách giáo khoa... Tuy nhiên tình trạng học sinh bỏ học vẫn còn diễn ra.
Ví dụ, Vĩnh Long là một tỉnh có giáo dục phát triển khá ở Đồng bằng sông Cửu Long nhưng trong năm học, nhiều trường THPT trong tỉnh có tỉ lệ học sinh bỏ học cao. Tính đến cuối học kỳ 1 năm học 2009-2010 học sinh bỏ học ở bậc THCS là 518 em tỉ lệ 0,91%, THPT là 1083 em tỉ lệ 3,08%.
Các trường có tỉ lệ bỏ học cao như Trường cấp 2,3 Trưng Vương 14,6%, THPT Tam Bình 8,37%, THPT Vĩnh Long 6,7%, THPT Vũng Liêm 6,5%... Trường cấp 2,3 Phú Quới, huyện Long Hồ nằm cạnh khu công nghiệp Hà Phú nên học sinh bỏ học rất nhiều. Năm học 2008-2009 tỉ lệ học sinh bỏ học lên đến 10%. Khối lớp 10 có tỉ lệ học sinh bỏ học cao nhất, riêng học kỳ 1 năm học 2009-2010, khối 10 bỏ học là 37/336 học sinh.
Ông Lưu Thành Công - Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Vĩnh Long cho biết khối lớp 9,10,11 tỉ lệ học sinh bỏ học cao hơn các khối khác. Có thể có những nguyên nhân như kinh tế gia đình khó khăn cần có nhu cầu về vật chất nên các em bỏ học. Một phần nữa do tác động của người thân, bạn bè vì người đi làm về có tiền, có quần áo mới, có điện thoại di động, có xe máy... rủ rê tác động, nên các em bỏ học nhiều để đi làm.
Mặt khác, điều kiện tuyển dụng của khu công nghiệp chủ yếu là công nhân lao động phổ thông, một số công ty chỉ cần nhân lực có trình độ lớp 8, lớp 9 là nhận vào làm việc. Ngoài vào các khu công nghiệp trong tỉnh như Khu công nghiệp Hòa Phú, công nghiệp Cổ Chiên, công nghiệp Bình Minh, công nghiệp Mỹ Thuận... các em bỏ học còn đi làm ở các khu công nghiệp thuộc tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh...
Ở tỉnh Thanh Hóa có nhiều học sinh bỏ học sau Tết âm lịch. Huyện Thường Xuân, Mường Lát, Quan Hóa... hết học kỳ một năm học 2009-2010 có hàng trăm học sinh bỏ học và con số này tiếp tục gia tăng sau nghỉ tết. Một số lượng lớn học sinh bỏ học đi làm thuê ở các tỉnh ngoài chủ yếu là các tỉnh phía nam.
Sau dịp Tết có một số công ty ở tỉnh ngoài đưa ô tô về tận bản, xã, huy động lực lượng lao động trẻ. Nhân dịp này những học sinh yếu về học lực và gia đình kinh tế khó khăn liền bỏ học đi làm để thỏa mãn nhu cầu vật chất cho bản thân và giúp đỡ gia đình.
Hệ thống giáo dục nên rút ngắn?
Tình hình học sinh bỏ học đó cho chúng ta thấy, nguyên nhân bỏ học của học sinh THCS, THPT có điểm mới, đáng chú ý. Đó là các khu công nghiệp phát triển ở nhiều nơi, có nhu cầu về lao động phổ thông và có nghề nghiệp. Học sinh lớp 8,9,10 bỏ học để đi làm kiếm sống, lập thân lập nghiệp.
Hiện tượng này cũng có những dấu hiệu tích cực nếu những cấp lãnh đạo chính quyền ở những địa phương đó có trách nhiệm với thế hệ trẻ, có những giải pháp kịp thời tạo điều kiện cho các em có nhu cầu lao động sớm để các em vẫn hoàn thành cấp học THCS, và lại có nghề để có thể lập thân lập nghiệp. Sau đó vừa làm vừa học bằng chính nguồn kinh tế của mình làm ra như thanh niên của nhiều nước công nghiệp phát triển hiện nay.
Cũng phải công bằng mà nói, giải pháp chống tình trạng học sinh bỏ học hiện nay của nhiều tỉnh, nhiều trường là rất quyết liệt, có hiệu quả, tuy nhiên trong điều kiện mới phải có những giải pháp mới có tính chiến lược toàn diện chung cho tòan hệ thống giáo dục mới có thể giải quyết được hiện tượng này.
Đó là ngành giáo dục cần nghiên cứu, khảo sát, tính toán để nhanh chóng điều chỉnh lại cơ cấu hệ thống giáo dục, như rút ngắn năm học ở giáo dục phổ thông.
Có thể là cấp tiểu học học 4 năm: Lớp 1,2,3,4. Cấp trung học cơ sở 3 năm lớp 5,6,7. Sau cấp THCS ngành và các địa phương có kế hoạch phân luồng học sinh gắn với đặc điểm và mục tiêu kinh tế- xã hội từng vùng.
Thành thị nông thôn có thể từ 60%- 70% số học sinh học tiếp THPT, 30%- 40% tiếp tục đào tạo nghề từ 1 đến 3 năm. Như vậy sau 15 tuổi các em đã hoàn thành cấp THCS và có nghề sơ cấp hoặc trung cấp để bước vào cuộc sống có nghề nghiệp, lập thân lập nghiệp rồi tiếp tục học thêm.
Thu Hà.