2010 là năm thứ 3 Honda Việt Nam tổ chức ngày hội trồng cây trong khuôn khổ dự án AR-CDM. Trong 3 năm qua, doanh nghiệp này đã hỗ trợ 3,5 tỷ đồng cho dự án, huy động hơn 1.000 nhân viên tham gia các ngày hội trồng cây.
Phát triển rừng bền vững, cải thiện đời sống người dân
Dự án AR-CDM là dự án kiểu mẫu lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam hướng tới mục tiêu cải thiện môi trường, đa dạng sinh học, cải thiện đời sống của bà con nông dân tại tỉnh Hòa Bình.
Sau 3 năm triển khai, dự án này đã, đang và sẽ mang lại sự nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng ngày càng cao, góp phần đầu tư cho phát triển ngành Lâm nghiệp Việt Nam; phục hồi rừng và quản lý, phát triển rừng bền vững; ổn định và nâng cao đời sống kinh tế cho đồng bào vùng nông thôn, miền núi Việt Nam.
Đặc biệt, đây là dự án AR-CDM đăng ký và được Liên Hợp Quốc công nhận đầu tiên ở Việt Nam, theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Đây cũng là dự án phát triển rừng bền vững kiểu mẫu thứ hai trên thế giới tiếp sau dự án tại Trung Quốc (đăng ký năm 2006).
Dự án này được HVN kết hợp với Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA), Trường đại học Lâm nghiệp Việt Nam thực hiện từ năm 2008. Tổng diện tích rừng được tái tạo trong khuôn khổ dự án là 309 ha tại 2 xã Xuân Phong và Bắc Phong, huyện Cao Phong thuộc tỉnh Hòa Bình và kéo dài trong vòng 17 năm.
Địa điểm được lựa chọn là những vùng đất trống đồi trọc không thể sản xuất, nơi rừng đã bị chặt phá để canh tác từ trước những năm 1980. Hai hoạt động chính của dự án là: Trồng rừng với 02 loại cây trồng là keo tai tượng và keo lá chàm, loại cây hiệu quả cao trong việc cải thiện môi trường do hấp thụ được nhiều khí CO2 và sản xuất ra nhiều Oxy, ngoài ra còn có giá trị kinh tế cao cho người dân khi đến thời điểm được khai thác; và trồng cỏ (khoảng 30ha với các loại chính là cỏ voi, cỏ sữa, cỏ Ruzi nhằm tăng nguồn thức ăn cho gia súc trong vùng, tránh xâm hại và ăn cây giống trồng rừng).
Khoảng 320 hộ cá thể lâm nghiệp tại huyện Cao Phong đã tham gia vào các hoạt động trồng rừng và tái trồng rừng và được hưởng lợi từ việc bán gỗ, các sản phẩm lâm nghiệp khác trong tương lai cũng như lợi ích bổ sung từ tín chỉ Carbon (dự kiến dự án sẽ hấp thụ khoảng 43.000 tấn khí Carbon).
Nhà tài trợ chính - thành viên tích cực của dự án
AR-CDM là một lĩnh vực phát triển khá mới mẻ thiếu kinh nghiệm trên toàn thế giới, và địa bàn của dự án khó tiếp cận thuộc vùng sâu, vùng xa nên cũng đòi hỏi chi phí đầu tư khá lớn.
Trong khuôn khổ dự án này, HVN hỗ trợ tài chính 3,5 tỷ đồng cho việc trồng và chăm sóc cây trong vòng 4 năm từ năm 2008 đến năm 2011, trong đó 140 ha đã được hoàn thành trong năm 2009 và 169 ha trong năm 2010. Không chỉ dừng lại là nhà tài trợ chính cho dự án, Công ty Honda Việt Nam còn muốn trở thành một thành viên tích cực của dự án này, đóng góp thiết thực cho môi trường Việt Nam cũng như nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cán bộ công nhân viên Công ty.
Trong 3 năm thực hiện dự án, hơn 1.000 cán bộ công nhân viên công ty đã trực tiếp tham gia “Ngày hội trồng cây” được tổ chức thường niên và đã có thêm 7,9 ha được trồng thêm ngoài dự án. Với nỗ lực của HVN cũng như các bên tham gia, dự án AR-CDM đã được triển khai đúng tiến độ và thành công, diện tích rừng đã được phủ xanh phát triển tốt dưới sự quản lí và chăm sóc cẩn thận của người dân địa phương và UBND huyện Cao Phong.
Có thể thấy, AR-CDM là một trong những dự án rất quan trọng góp phần vào sự phát triển hệ sinh thái rừng cũng như nâng cao đời sống của đồng bào miền núi Việt Nam.
Honda Việt Nam đã, đang và sẽ không ngừng nỗ lực để bảo vệ môi trường thông qua những hành động thiết thực như tài trợ và tham gia trực tiếp vào dự án môi trường nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng. Đồng thời, công ty cũng sản xuất các sản phẩm có công nghệ thân thiện với môi trường và xây dựng nhà máy Xanh như một nhà máy kiểu mẫu tại Việt Nam.
Theo VNN.