Hợp tác khai thác đất hiếm với Nhật là cơ hội cho Việt NamTrao đổi với báo chí chiều 28/10, ông Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, lâu nay Việt Nam đã khai thác nguồn nguyên liệu quý này nhưng công nghệ còn hạn hẹp, công suất thấp.

Trước thông tin Việt - Nhật đang bàn thảo để tiến tới hợp tác khai thác, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc đã dùng từ "cơ hội" cho ngành công nghiệp này đối với phía Việt Nam. Vị thứ trưởng này cũng khẳng định, khai thác đất hiếm không gây hại nhiều cho môi trường như khai thác bô xít thải ra bùn đỏ.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài nguyên cũng cho biết, hiện chưa có công ty nào của Nhật Bản chính thức có đề nghị hợp tác. Quyết định hợp tác khai thác tùy thuộc vào Chính phủ, Bộ chỉ là cơ quan tham mưu. Ngoài ra, trữ lượng chính xác của loại tài nguyên quý hiếm này ở nước ta cũng chưa được xác định.

Trước đó, ngày 22/10, Nhật tuyên bố sắp sửa bàn bạc với Việt Nam về vấn đề khai thác đất hiếm. Theo đó, nước này muốn sử dụng công nghệ khai thác hiện đại để khai thác đất hiếm của Việt Nam, nhằm giảm sự phụ thuộc nguồn cung vào Trung Quốc. Dự định này của Nhật được công bố sau khi Trung Quốc tạm ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản.

Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Vinh, Chủ tịch Tổng hội địa chất Việt Nam, đất hiếm là loại đất chứa nhiều nguyên tố hiếm, có hàm lượng rất nhỏ trên trái đất. Việt Nam là một trong những mỏ đất hiếm tiềm năng với khoảng trên 17 triệu tấn. Tổng số trữ lượng tài nguyên đất hiếm toàn cầu là 99 triệu tấn, sản lượng khai thác hằng năm là khoảng 125.000 tấn. Hiện Trung Quốc là nước khai thác nhiều nhất, với sản lượng 120.000 tấn mỗi năm, chiếm 97% thế giới.

Khi khai thác, người ta tách từng loại nguyên tố hiếm ra, đem vào sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như công nghiệp điện tử, chế tạo ôtô, chế tạo chất bán dẫn, lọc hóa dầu... Khối lượng của các nguyên tố hiếm này trong khâu sản xuất rất nhỏ nhưng đóng vai trò rất lớn. Ví dụ trong công nghệ sản xuất thép, chỉ cần một lượng nhỏ nguyên tố cũng đủ để thay đổi tính năng của vật liệu kim loại.

Chuyên gia địa chất, luyện kim Nguyễn Văn Ban, người từng làm việc tại Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam cho biết, việc khai thác đất hiếm đòi hỏi công nghệ hiện đại, để có thể tách từng loại nguyên tố ra. Lâu nay Việt Nam đã khai thác nhưng công nghệ còn hạn hẹp, công suất thấp, không tách được hết thành phần. Hoạt động khai thác ở Việt Nam chủ yếu để sản xuất thép, với khối lượng không nhiều.

Theo VNE.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC