Ghi nhận của PV Báo Giao thông cho thấy, tại các chợ truyền thống, tiểu thương đã bán hàng trở lại từ mồng 2 Tết. Mặt hàng được mua – bán nhiều nhất thời điểm này là rau xanh.
Tại Hà Nội, giá rau xanh tiếp tục tăng cao. Đơn cử, tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), giá xà lách tăng lên 40-50 nghìn đồng/kg, tăng 10 nghìn đồng/kg so với thời điểm trước Tết và tăng gấp đôi so với thời điểm ngày thường; xúp lơ 20 nghìn đồng/cây (tăng 5 nghìn đồng); cải cúc 7-10 nghìn đồng/bó, tăng 2-3 nghìn đồng/bó; bắp cải 20 nghìn đồng/kg, tăng 5 nghìn đồng/kg; ớt chuông 130 nghìn đồng/kg, đắt hơn 30 nghìn đồng...
Thời tiết sương muối vào những ngày cuối năm là nguyên nhân khiến lượng rau sụt giảm, giá tăng cao.
Giá rau xanh tăng cao là diễn biến chung của 3 miền. Dự báo còn kéo dài trong vài tháng tới khi thời tiết chưa thuận lợi cho việc gieo trồng.
Giá rau xanh vẫn tiếp tục tăng cao
Ghi nhận của PV Báo Giao thông cũng cho thấy, các cửa hàng phục vụ ăn uống cũng đã “khai xuân”. Điều đáng mừng, chưa ghi nhận tình trạng chặt chém giá – hiện tượng thường xảy ra những năm trước thời điểm này.
Đánh giá về tình hình giá cả hàng hóa dịp này, Bộ Tài chính cho biết, các địa phương tăng giảm đan xen nhưng không đột biến, sốt giá, thị trường chưa sôi động, giá cả ổn định so với trước Tết.
Theo Bộ Tài chính, chỉ có một số trung tâm thương mại lớn tại các địa phương (chủ yếu ở các thành phố lớn) mở cửa phục vụ người dân xuyên Tết như mọi năm, còn các chợ tiểu thương hầu hết chưa mở cửa hoặc lẻ tẻ mở cửa lấy ngày.
Tại TP.HCM, Cần Thơ, TP. Đà Nẵng, ở các chợ đầu mối, lượng hàng nhập chợ ít, chủ yếu là các mặt hàng rau, củ và trái cây, sức tiêu thụ khá chậm so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ Tài chính đánh giá, từ ngày mùng 3 Tết, thị trường sẽ dần sôi động hơn do người dân bắt đầu các hoạt động đi chơi ngày Tết, nhu cầu đi lại tăng lên và các trung tâm, địa điểm vui chơi sẽ bắt đầu mở cửa trở lại.
Do đó, Bộ này kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao để chủ động phương án bảo đảm cân đối lượng hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến.
Theo Báo giao thông