"Quần đảo Hoàng Sa rõ ràng là của Việt Nam, do vậy nhà nước cần có giải pháp hữu hiệu can thiệp kịp thời để bảo vệ ngư dân yên tâm đánh bắt và trú tránh bão an toàn ở vùng biển này", thuyền trưởng Dương Văn Thọ tâm sự.
Ngày 1/4 cũng là ngày hội nghề cá Việt Nam. Nhiều địa phương ven biển Quảng Ngãi tưng bừng tổ chức các hoạt động ăn mừng như lễ hội đua thuyền, hội làng chài, ngư dân gặp mặt chia sẻ kinh nghiệm khai thác thủy sản trên biển... Câu chuyện rủi ro bị Trung Quốc bắt giữ trên quần đảo Hoàng Sa lại được nhiều ngư dân đặt ra.
Ngư dân Dương Văn Thọ ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn - người từng hai lần bị Trung Quốc vô cớ bắt giữ ở Hoàng Sa trong năm 2009, tâm sự, lâu nay ngư trường truyền thống đánh bắt thủy sản của Quảng Ngãi chủ yếu là ở Hoàng Sa. Nhờ nguồn thủy sản phong phú ở vùng biển này mà hàng nghìn gia đình sống bằng nghề biển ở Quảng Ngãi có của ăn, của để, con cái được học hành đàng hoàng.
"Tuy nhiên thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục tuần tra bắt giữ vô lý tàu cá chúng tôi trong lúc hành nghề ở Hoàng Sa khiến nhiều gia đình tan cửa, nát nhà. Quần đảo Hoàng Sa rõ ràng là của Việt Nam, do vậy nhà nước cần có giải pháp can thiệp kịp thời để bảo vệ ngư dân yên tâm đánh bắt và trú tránh bão an toàn ở vùng biển này”, ông Thọ nói.
Các ngư dân Lý Sơn tính toán, tàu cá ra vùng biển Hoàng Sa chỉ mất một ngày một đêm; trong khi nếu đánh bắt ở vùng biển Trường Sa thì tốn thời gian, chi phí gấp ba lần so với Hoàng Sa.
“Nguồn thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt. Mong sao nhà nước quan tâm hỗ trợ tiền dầu, tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi để cải hoán tàu thuyền, sắm ngư lưới cụ, nâng công suất để vươn ra khơi xa đánh bắt. Có như vậy thì đời sống ngư dân mới có thể gắn biển lâu dài được”, ngư dân Dương Văn Hưởng ở xã An Hải ao ước.
Ghi nhận công sức đóng góp của ngư dân góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, ông Võ Xuân Huyện, chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn khẳng định, hàng năm kinh tế biển đã đóng góp nguồn thu rất lớn cho ngân sách địa phương.
Lý Sơn có hơn 400 tàu thuyền hành nghề đánh bắt thủy sản, trong đó khoảng 50% tàu công suất lớn đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, mỗi năm mang về cho huyện đảo nguồn thu lên đến hàng trăm tỷ đồng. Theo ông chủ tịch, huyện đang vận động ngư dân khẩn trương thành lập đội tự quản tàu thuyền để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp hoạn nạn trong lúc hành nghề trên biển.
Trong những ngày này, tại bến cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, hàng trăm tàu cá xa bờ từ Hoàng Sa, Trường Sa trở về sau phiên biển dài tấp nập bán cá. Trong nắng mai, những tàu chở cá đầy ắp khoang hối hả rẽ sóng từ ngoài khơi vào cảng.
Ngư dân Nguyễn Văn Ba ở thôn Định Tân phấn khởi nói: “Ước chi sau mỗi phiên biển trở về đều bình yên được mẻ cá nhiều thế như thế này thì đời ngư dân chúng tôi hạnh phúc biết mấy".
Theo ông Ba, mấy chục năm làm nghề trên biển khơi, mỗi lần đưa tàu ra vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, ông lại cảm thấy như được trở về mái nhà quen thuộc của mình. Tuy nhiên hiện nay tàu cá xa bờ của ngư dân trang thiết bị còn quá lạc hậu, máy móc chỉ có thể liên lạc hầu hết ở tầm ngắn chưa được trang bị tầm xa nên khi gặp rủi ro, hậu quả thật khó lường. "Điều chúng tôi cần nhất là nhà nước hỗ trợ máy Icom tầm xa và máy dò, định vi hiện đại cho tàu cá”, ngư dân này nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi cho biết, tỉnh đã gửi văn bản đề xuất Chính phủ sớm ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân nói chung, đặc biệt là ngư dân đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa, để họ vừa yên tâm làm ăn vừa góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh hải Việt Nam.
Chính phủ cũng đã quyết định xây dựng trạm cứu nạn, cứu hộ tại huyện đảo Lý Sơn với tổng vốn đầu tư gần 70 tỷ đồng, dự kiến sẽ khởi công vào giữa năm nay. Trạm cứu hộ này có đội tàu cứu hộ ngư dân gặp nạn trong vùng biển miền Trung, bán kính từ Quảng Nam đến Quy Nhơn, trong điều kiện gió giật cấp 9. Đội cứu hộ cũng có nhiệm vụ sơ cấp cứu cho ngư dân gặp nạn trong khu vực này.
TH.