"Khi mới làm bộ trưởng, tôi chỉ ngủ 4 tiếng mỗi ngày""Điều trăn trở của tôi lúc này là nếu ngành giáo dục không có đột phá thì có thể làm lỡ cơ hội phát triển của đất nước", Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trả lời trực tuyến chiều 31/8.

Trong 4 giờ đối thoại trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Phó thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời gần 70 câu hỏi, từ những vấn đề vĩ mô đến những câu chuyện đời thường.

Chúng tôi trích đăng một số câu trả lời của bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân.

- Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, theo Phó thủ tướng, chúng ta cần giải quyết khâu nào là then chốt? (Nguyễn Văn Nam - 54 tuổi - giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự)

- Chất lượng giáo dục là vấn đề lớn nhất mà người dân và ngành quan tâm. Xét về phương diện lịch sử, muốn quản lý chất lượng giáo dục chúng ta còn cần dựa vào những chỉ số về chất lượng và giám sát chỉ số đó. Để làm được điều này, chúng ta cần những cơ quan chuyên trách. Đến năm 2004, trong Bộ GD&ĐT chưa có cơ quan chuyên trách về quản lý chất lượng giáo dục.

Từ 2004 đến nay, chúng ta có Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng và từ 2008 đến nay, 63 tỉnh, thành đã có Phòng khảo thí và đánh giá chất lượng. Đó là một bước chuyển biến trong quản lý chất lượng, đó là coi quản lý chất lượng là nhiệm vụ hàng đầu của Nhà nước trong quản lý giáo dục.

Vấn đề thứ hai, để đảm bảo chất lượng như đã nêu cần chuẩn hóa về chương trình, SGK, đội ngũ thầy cô giáo, phương tiện đào tạo. Đặc biệt càng ngày chúng ta càng cần chuẩn hóa công tác quản lý. Chính sự hạn chế, yếu kém trong quản lý là khâu tắc nghẽn nặng nề nhất trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

20090901 05 05 57 0
Lãnh đạo các bộ, ngành liên quan dự buổi trả lời trực tuyến

Vì thế, nếu nói khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục thì đó chính là đổi mới quản lý nhà nước đối với hệ thống GD&ĐT. Khâu đổi mới này trước tiên liên quan đến việc phải có quy hoạch và chiến lược giáo dục. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ triển khai các biện pháp khác mà ngành giáo dục đang làm như tiếp tục hoàn thiện chương trình sách giáo khoa. Với giáo dục đại học, các địa phương cần rà soát chương trình, thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội, công bố chuẩn đào tạo của từng trường.

- Xin Phó thủ tướng cho biết kết quả của thi tốt nghiệp THPT năm học 2008-2009 có phản ánh đúng chất lượng dạy và học hiện nay? (Phạm Đức Tài - Nam 33 tuổi)

- Kỳ thi 2006-2007, xã hội rất bức xúc trước nhiều hiện tượng tiêu cực xảy ra, như bắc thang vào ném bài thi hoặc gây mất trật tự an ninh quanh khu vực thi. Khi thí sinh thi xong thì phòng thi trắng tài liệu...

Chúng tôi có báo cáo với Thủ tướng, Chính phủ và Thủ tướng có chỉ thị số 33 là ngành phải tập trung vào chống bệnh thành tích trong giáo dục. Khi khởi động quá trình này chúng tôi mong muốn cho học sinh hiểu rằng năng lực làm người sẽ tương đương với tấm bằng đó. Phải tập trung cho năng lực thật. Kết quả thi cử không phải là con đường phát triển lâu dài.

Sau 3 năm thực hiện chỉ thị 33, tình hình có chuyển biến rõ rệt. Chúng ta đã lập lại ý thức kỷ cương trong học tập. Kết quả thi cử năm 2009 cơ bản là phản ánh đúng thực chất.

- Một ngày làm việc của bộ trưởng thường bắt đầu như thế nào và kết thúc ra sao? Điều gì làm bộ trưởng băn khoăn và lo lắng nhất hiện nay về nền giáo dục nước nhà? (Lê Tiến Công, 31 tuổi, ĐH Phan Châu Trinh)

20090901 05 06 03 1
Phó thủ tướng: "Có nơi, giảng viên dạy có đèn chiếu, nhưng hầu như không tạo thời gian đối thoại giữa sinh viên và giáo viên, tài liệu tham khảo còn khá cũ".

- Khi mới làm bộ trưởng, vẫn là học việc, lúc đó tôi chỉ ngủ 4 tiếng mỗi ngày, giờ thì có thể ngủ được 5 tiếng. Thường tôi thức dậy lúc 4h30 sáng, làm việc đến hơn 6h. Sau đó chơi bóng bàn đến 7h thì vệ sinh cá nhân, ăn sáng và đi làm ở cơ quan đến 5h30 chiều. Nếu có cuộc họp tại Bộ thì khoảng 6h30 thì về nhà ăn tối, nghỉ ngơi và làm việc đến 11h30 thì nghỉ.

Buổi tối, tôi thường xem truyền hình bằng tiếng Anh và tiếng Đức để nắm tình hình thế giới, như một nhu cầu. Cuối tuần, nếu vợ tôi từ miền Nam ra thì sẽ đi đâu đó, thăm anh em, bạn bè hoặc đi xa để thay đổi không khí. Hơn một năm đầu ở Bộ, anh em kêu làm việc ngoài giờ nhiều quá. Giờ thì công việc đã ổn và có đội ngũ Thứ trưởng, Vụ trưởng mạnh nên tôi không còn phải làm việc ngoài giờ nhiều nữa.

Điều trăn trở của tôi lúc này là yêu cầu hội nhập quốc tế rất quyết liệt, nếu ngành giáo dục không có phương pháp vừa đột phá, vừa phát triển theo chiến lược đồng bộ thì chúng ta có thể làm lỡ cơ hội phát triển của đất nước. Nguồn nhân lực là tài nguyên quý báu quốc gia. Với ý thức lao động tốt, ý thức dân tộc tốt và kỹ năng nghề cao, nguồn nhân lực sẽ trở thành một lợi thế cực kỳ quan trọng để cạnh tranh về kinh tế.

- Với cương vị dẫn dắt nền giáo dục Việt Nam, tiêu chí làm việc của Bộ trưởng là gì? (Mạnh Đức - 37 tuổi)

- Tôi mới nhận trách nhiệm được hơn 3 năm, vì vậy kinh nghiệm chưa nhiều. Tôi nghĩ, làm bộ trưởng có sứ mạng quan trọng chăm lo cho lớp trẻ lớp thanh niên của Việt Nam, đây là trọng trách lớn và cũng rất vinh dự vì vậy phải cống hiến hết mình cùng lãnh đạo Bộ và toàn thể ngành giáo dục chung tay gánh vác sự nghiệp lớn này.

- Các vị bộ trưởng tiền nhiệm đều có những chương trình dự án đổi mới, cải cách giáo dục. Vậy bộ trưởng đã có những đánh giá sâu sắc về sự thành bại của họ trong quá khứ để xây dựng các dự án hiện nay không? (PGS.TS Trịnh Quang Vinh - Nam 67 tuổi - Giảng viên)

20090901 05 06 10 2
Phó thủ tướng: "Cần nhấn mạnh là chúng ta không hề có chủ trương là tăng học phí ở cấp phổ thông mà ngược lại tiếp tục miễn giảm, thậm chí còn cho thêm".

- Đây là một câu hỏi khó, chúng tôi trong quá trình làm chiến lược giáo dục, khởi động từ năm 2007. Ban cán sự Đảng bộ của Bộ GD&ĐT bàn về Chất lượng giáo dục 2007 thì cũng phân tích mặt được và những mặt chưa được của ngành giáo dục, lúc đó chúng tôi có rút ra một số bài học.

Muốn chuyển biến ngành giáo dục cũng như các lĩnh vực công tác nói chung thì phải nghiên cứu nó chịu quy luật nào? Có phải nó chịu chi phối bởi các quy luật của các công tác sự phạm không? Ví dụ đầu tiên là quy luật quản lý hệ thống. Nếu đúng nó tự phát triển, nếu không đúng thì nó tự không phát triển được.

- Từ khi ở cương vị bộ trưởng, ông đã đi khảo sát, thực tế việc quản lý, dạy và học tại các trường chưa? Bộ trưởng có thấy tình hình thực tế tại các trường này có như trong báo cáo của cấp dưới gửi lên không? (Nguyễn Xuân Thiện, 28 tuổi)

- Ở cương vị bộ trưởng, đối tượng tôi phải quan tâm gồm nhiều cấp. Đề theo sát tình hình địa phương, chúng tôi phân công trong Bộ, mỗi thứ trưởng phụ trách một vùng trong cả nước, gồm khoảng 10-15 tỉnh. Tôi phụ trách miền Tây Nam Bộ gồm 12 tỉnh, cụm 5 thành phố. Mỗi quý một lần dự sinh hoạt trao đổi công việc với các giám đốc Sở.

Cấp trường, mỗi lần tới địa phương, chúng tôi thường tìm gặp các thầy cô hiệu trưởng các trưởng tại tỉnh đó, trao đổi khoảng 2 tiếng, nêu hoạt động trong nhà trường, đánh giá chủ trương của Bộ và các vấn đề đặt ra. Đây là việc hết sức bổ ích, giúp nhận thức tiềm năng cũng như yếu kém trong quản lý giáo dục.

Cách đây hai ngày tôi có đến làm việc tại Bạc Liêu, Cà Mau tìm hiểu thực tế các em đang suy nghĩ về nhà trường, công việc. Tôi chứng kiến lễ trao xe đạp cho học sinh nghèo đi xa, học sinh lớp 7-8, các em rất nhỏ, qua đây mình mới nhận thức tỷ lệ suy dinh dưỡng cả nước trong đó học sinh trên dưới 10%, nhưng có những vùng rất cao. Như vậy, ngoài "3 đủ” do ngành đề ra là tất cả học sinh đi học đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở, thì tôi thấy chúng ta còn phải chống suy dinh dưỡng.

Khi dự giờ chúng tôi thấy, có thầy giáo dạy môn Giáo dục công dân lớp 7 rất sinh động có những tài liệu cụ thể, sinh động... Tuy nhiên, cũng có nơi, giảng viên dạy có đèn chiếu, nhưng hầu như không tạo thời gian đối thoại giữa sinh viên và giáo viên, tài liệu tham khảo còn khá cũ. Thông qua thực tiễn đối với cá nhân tôi ở các cấp như vậy, cơ bản lãnh đạo Bộ và tôi cảm thấy mình nắm được thực tiễn, tôi thấy học thêm được rất nhiều từ thực tiễn.

Qua việc bám sát cơ sở, đi thực tiễn, chúng tôi nhận thấy có việc giống như mình dự kiến, có việc dở nhưng cũng có nhiều việc hay hơn mình cần tiếp thu để hoàn thiện việc chỉ đạo, điều hành.

- Tôi đang ở Mỹ, xin phép được hỏi, làm cách nào để hợp thức hóa ngành nghề chuyên môn từ nước ngoài về Việt Nam, để có cơ hội phục vụ nhân dân về vấn đề y tế ở các vùng sâu, vùng xa. (Lê Thế Thành)

- Trước hết xin cám ơn ông Thành tuy ở xa Tổ quốc nhưng ông có nguyện vọng về nước phục vụ nhân dân về y tế, đây là tấm lòng rất đáng trân trọng. Tôi nói nếu như 3,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài đều giữ được truyền thống hiếu học và tấm lòng như vậy thì thật đáng quý. Tuy nhiên, việc về Việt Nam để hành nghề trong ngành y tế vẫn đòi hỏi những chứng chỉ nhất định. Chúng tôi sẽ trả lời thêm bằng email để ông rõ hơn.

- Đề án cải cách lương cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục của Bộ GD&ĐT bao giờ được thực thi? (Trần Văn Nam - 32 tuổi)

- Trong đề án Chính phủ trình Quốc hội đổi mới cơ chế tài chính, thể hiện giáo dục là quốc sách của xã hội, qua thảo luận Quốc hội đã biểu quyết là sắp tới trong giai đoạn 2011-2015, sẽ thực hiện phụ cấp nhà giáo. Như vậy phụ cấp nhà giáo sẽ làm tăng thu nhập của giáo viên đồng thời tăng thêm sự gắn bó của giáo viên với ngành. Chúng tôi coi đây là giải pháp nằm trong kế hoạch triển khai tuy nhiên chúng ta đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nên tăng trưởng kinh tế thay vì 8-9% chỉ đạt trên dưới 5% do đó mức độ và tiến độ của việc thực hiện thâm niên sẽ được quyết định cụ thể trong thời gian 2009-2014 ở thời điểm phù hợp.

Còn đối với cán bộ quản lý, Quốc hội đã thông qua một chính sách đặc biệt là nếu thầy cô giáo dạy giỏi chuyển sang làm cán bộ quản lý ở Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục thì sẽ được giữ phụ cấp giảng dạy trong vòng 3 năm mặc dù là không còn dạy nữa.

- Em được biết học phí năm 2009 sẽ cao hơn mọi năm. Vậy em xin hỏi tại sao đất nước Cuba còn khó khăn hơn nước ta mà còn miễn học phí cho học sinh, sinh viên. Đến khi nào chúng em được miễn học phí theo chế độ XHCN? (Nguyễn văn Tuấn, 17 tuổi, học sinh)

- Rất hoan nghênh câu hỏi của em, nhưng trong câu hỏi có một số nội dung không chính xác đó là hiện nay không phải học phí của chúng ta ngày càng tăng. Vừa rồi Quốc hội thông qua Đề án đổi mới cơ chế tài chính, khẳng định: với giáo dục phổ thông, việc đóng học phí là phù hợp khả năng chi trả. Những người nghèo hoàn toàn không phải đóng học phí, không phải chỉ miễn mà còn được hỗ trợ thêm kinh phí để mua sách vở đi học.

Còn những hộ ở đô thị có thu nhập tương đối cao thì đóng nhiều hơn nhưng theo nguyên tắc là không gây khó khăn về chi trả. Cần nhấn mạnh là chúng ta không hề có chủ trương là tăng học phí ở cấp phổ thông mà ngược lại tiếp tục miễn giảm, thậm chí còn cho thêm. Vừa qua Quốc hội đề xuất phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, đối với vùng miền núi, có trường công lập rồi mà gia đình vẫn không đủ tiền cho con đi học thì nhà nước sẽ hỗ trợ toàn bộ.

- Nhà cháu có 2 anh em, anh cháu tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội, cháu tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội khoa Sinh. Bố mẹ chúng cháu làm nông nghiệp nuôi 2 anh em đã vất vả lắm rồi, khi ra trường tưởng xin việc đơn giản vì 2 ngành này nhà nước luôn cần, nhưng qua tìm hiểu xin vào đâu cũng phải mất một khoản tiền khá lớn. Xin bộ trưởng cho cháu một lời giải thích và chỉ cho chúng cháu một con đường? (Bùi Thị Quỳnh, 25 tuổi)

- Cháu tốt nghiệp Đại học Y, chưa có việc làm tại Hà Nội, nếu có thể đến vùng khó khăn, miền núi... chắc chắn có nhiều nơi rất cần. Đối với giáo viên cũng vậy. Tuy nhiên, hiện tượng giáo viên khó tìm được việc làm cho thấy ngành giáo dục chưa có dự báo đầy đủ về nhu cầu giáo viên các cấp. Các trường sư phạm vẫn đào tạo theo khả năng, chưa theo nhu cầu của xã hội.

Từ năm học này, ngành giáo dục có chủ trương trong 3 năm tới, các Sở Giáo dục phải quy hoạch lại nhu cầu giáo viên, tiến hành đào tạo theo đặt hàng cho các trường ĐH, CĐ. Liên quan tiến tới ngành giáo dục phải đào tạo theo đúng nhu cầu cho địa phương, từ thực tiễn đó tổng hợp lại để có dự báo cho nhu cầu đào tạo của trường.

Anh chị em nào vừa qua đào tạo hệ sư phạm, nhưng thực tế ngành đó địa phương không có nhu cầu, chúng ta có thể học bổ túc chuyển đổi sang bằng 2. Hiện nay, một số địa phương đã thực hiện đào tạo 3 năm đầu là khoa học cơ bản, năm thứ tư đào tạo chuyên ngành mới quyết định chuyển hệ sư phạm hay kỹ sư. Những người này nếu học sư phạm, 3 năm đầu kiến thức kỹ thuật vẫn có thể làm cử nhân kỹ sư kỹ thuật, một thời gian nếu thấy không có điều kiện, có thể quay lại xin học bổ túc để lấy bằng 2, lúc đó vẫn có thể có thể phát huy nền tảng. Nếu một cơ quan có kỹ sư làm kỹ thuật lại học sư phạm, có thể giúp đào tạo kỹ sư cho công ty.

- Tôi có cô em họ có bằng đại học loại giỏi, đồng thời là thủ khoa của Đại học Sư phạm HN, vậy mà đi xin việc thật khó khăn. Bộ trưởng có biện pháp nào để trọng dụng những thủ khoa như vậy không? (Đỗ Huy, 27 tuổi)

- Trước hết chúc mừng anh có một người em tốt nghiệp thủ khoa. Đấy là một niềm tự hào của bản thân cũng như của gia đình. Tuy nhiên có thể thủ khoa ở một ngành, hoặc bậc học mà chúng ta vừa trao đổi, thì có thể ở địa bàn thuận lợi đã có đủ giáo viên rồi thì chúng ta phải chấp nhận công việc ở một địa bàn khác. Đây cũng là bài học là chúng ta học xong đại học mới bắt đầu đi tìm việc làm.

Bộ GD&ĐT đã làm việc với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng đến giải pháp là những người học đại học ngay khi học xong một nửa thời gian đào tạo, phải xúc tiến khả năng tìm, chọn được việc làm thích hợp.

Theo Chinhphu.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC