Tại dự thảo mới nhất Luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi, TAND Tối cao đề xuất việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa chỉ thực hiện trong thời gian "khai mạc, tuyên án, công bố quyết định" và đều phải được chủ tọa cho phép. Việc ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa... cũng cần có sự đồng ý của chính chủ.
Giải trình về đề xuất này, chiều 26/3 tại hội nghị đại biểu chuyên trách, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói việc quản lý ghi âm, ghi hình nhằm đảm bảo 3 yêu cầu của phiên tòa: đúng luật, chất lượng và trang nghiêm.
Ông Bình cho rằng phóng viên khi tác nghiệp sẽ làm xáo trộn phòng xử án, ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của phiên tòa. Các thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư khi bị chĩa máy quay lúc đang làm việc sẽ bị phân tán tư tưởng và "không ai muốn hình ảnh đưa lên truyền thông bị xấu". Vì vậy, theo ông, đề xuất tại dự thảo chỉ nhằm điều chỉnh việc truyền thông của cơ quan báo chí trong phạm vi phiên tòa xét xử. "Ra ngoài hành lang phỏng vấn ai, đưa tin như thế nào, chúng tôi không ngăn cản", người đứng đầu ngành tòa án nói.
Tuy nhiên, theo nhiều người, đề xuất này đã thu hẹp điều kiện tác nghiệp của phóng viên, bởi Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và Luật Báo chí đều cho phép nhà báo được tham dự đưa tin "diễn biến", "được tác nghiệp" tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp...Trong đó, ghi âm, ghi hình là hoạt động đặc thù của nghề báo.
"Như đề xuất tại dự thảo, hoạt động tác nghiệp nếu chỉ được thực hiện lúc tòa khai mạc, tuyên án, công bố quyết định thì phóng viên lấy đâu ra dữ liệu và cơ sở để đưa tin về diễn biến từ xét hỏi, lời khai, tranh tụng", ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó ban chuyên trách Ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam, nêu quan điểm với VnExpress.
Ông Tuấn phân tích, với vụ án tình tiết phức tạp, lượng thông tin rất lớn, nếu nhà báo không có dữ liệu từ ghi âm, ghi hình "sẽ rất bất cập" về chứng cứ và "là thách thức rất lớn với việc truyền tải thông tin đầy đủ, chính xác".
"Cần đảm bảo phóng viên được ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa từ lúc khai mạc đến khi kết thúc", ông Tuấn đề nghị.
"Việc nhà báo ghi âm, ghi hình tại phiên tòa sẽ giúp lời nói, phán quyết của thẩm phán, tranh luận giữa các bên chuẩn mực hơn", ông Tuấn nêu quan điểm và cho rằng diễn biến phiên tòa được báo chí phản ánh đầy đủ, chính xác, khách quan sẽ góp phần nâng cao chất lượng xét xử, "giảm oan sai".
Theo ông, nguyên tắc tòa án xét xử công khai nên đảm bảo quyền tham dự phiên tòa của mọi công dân sẽ giúp giáo dục pháp luật, đảm bảo quyền giám sát tối cao của nhân dân với hoạt động này. Nhà báo cũng cần được thực hiện quyền giám sát, phản biện xã hội, tuyên truyền, phổ biến pháp luật."Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần tạo thuận lợi nhất, từ những việc làm cụ thể để nhà báo hoàn thành sứ mệnh", Phó ban chuyên trách Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam nói.
Phóng viên tác nghiệp tại phiên xét xử vụ án "chuyến bay giải cứu" qua màn hình trong phòng báo chí, tháng 7/2023. Ảnh: Danh Lam
Từ thực tế nhiều năm tham gia xét xử, ông Trương Việt Toàn, nguyên phó chánh Tòa hình sự TAND TP Hà Nội, cho hay: "Khi điều hành phiên tòa, tôi chưa bao giờ hạn chế báo chí".
Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ việc phóng viên chĩa máy quay hoặc thấy đi lại trong phòng cũng "ít nhiều gây tâm thế không thoải mái và phân tâm cho hội đồng xét xử".
Để hài hòa tính tôn nghiêm của phiên tòa và quyền tác nghiệp của phóng viên, ông Toàn kể thường nhắc chụp ảnh nhanh và không chĩa thẳng máy quay vào hội đồng xét xử.
Nêu giải pháp, ông cho rằng tòa án cần bố trí phòng riêng với màn hình, đường truyền âm thanh đảm bảo để phục vụ báo chí đưa tin về phiên tòa. Tại đó, các phóng viên có thể tác nghiệp ghi âm, ghi hình.
Một số phiên xét xử vụ án lớn gần đây tại TAND TP Hà Nội, như kit test Việt Á và sai phạm tại tập đoàn Tân Hoàng Minh..., phóng viên được bố trí ngồi tại phòng báo chí song không được ghi âm, ghi hình kể cả qua màn hình, không được sử dụng máy tính và không mang theo điện thoại. Việc chỉ được mang giấy bút vào ghi chép đã khiến hoạt động tác nghiệp đưa tin trở nên khó khăn, đặc biệt ở các vụ án tình tiết phức tạp, xét xử nhiều ngày.
Ông Trương Việt Toàn đánh giá "cấm ghi âm ghi hình, cấm cả mang máy tính là quá khắt khe". Theo ông, nếu tòa đã bố trí phòng riêng, việc phóng viên ghi âm, quay chụp, dùng máy tính là sử dụng nghiệp vụ báo chí, phù hợp các quy định hiện hành và tính công khai của phiên tòa và điều này "không ảnh hưởng đến ai".
Theo quan điểm của ông, ghi âm, ghi hình là hoạt động tác nghiệp của phóng viên, nếu bị cấm mang vào phòng báo chí "khác nào cắt tay họ". "Thánh nào chép tay cho nổi cả phiên tòa", ông nói.
Hiện đề xuất siết ghi âm, ghi hình tại phiên tòa như dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi cũng còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các cơ quan. Đa số Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thống nhất với đề xuất của TAND Tối cao.
Nhưng Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị cho phép nhà báo ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa. Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đề nghị tạo điều kiện cho nhà báo đưa tin chính xác về vụ án.
Trên thế giới, mỗi nước quy định khác nhau về việc ghi âm, ghi hình, phát sóng phiên tòa. Tại Nga, tính công khai của tòa án và các biện pháp ghi âm, ghi hình được quy định tại cả 3 Bộ luật Tố tụng Hình sự, Dân sự và Hành chính. Cả ba luật đều nêu: Quá trình xét xử ở các tòa án phải được công khai, trừ vụ án liên quan vị thành niên, nhà nước, quân sự, thương mại hoặc bí mật khác được pháp luật bảo vệ.
Trong quá trình xét xử, bất kỳ ai, người dân hay chuyên gia truyền thông, cũng có quyền ghi chép bằng tay hoặc gõ máy tính, tốc ký và tạo các bản phác thảo. Họ được ghi âm mà không cần thông báo cũng như không phải xin phép tòa án.
Riêng việc chụp ảnh, quay phim hoặc quay video, truyền tải quá trình tố tụng qua đài phát thanh, truyền hình, cần có sự cho phép của tòa án (hoặc chủ tọa phiên tòa).
Tại Mỹ, Bộ luật Tố tụng hình sự liên bang không được phép chụp ảnh quá trình xét xử trong phòng xử án hoặc phát sóng các thủ tục tố tụng tư pháp từ phòng xử án, trừ khi có quy định khác của đạo luật.
Hiến pháp không bắt buộc cũng không cấm việc truyền hình các phiên tòa. Thẩm phán thường dựa vào Tiêu chuẩn Luật Tư pháp Hình sự của Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ, quy định "thẩm phán có thể cho phép phát sóng, truyền hình, ghi âm và chụp ảnh các thủ tục tố tụng tư pháp... phù hợp với quyền được xét xử công bằng và phải tuân theo các điều kiện, giới hạn và hướng dẫn rõ ràng cho phép đưa tin theo cách không phô trương, không làm xao lãng hoặc ảnh hưởng bất lợi đến nhân chứng hoặc những người tham gia phiên tòa khác và sẽ không can thiệp vào quá trình xét xử công bằng".
Từ những năm 1930, các tòa án đã đấu tranh để cân bằng giữa quyền được xét xử công khai của bị cáo và quyền của bị cáo được xét xử công bằng, cũng như quyền được tự do báo chí cũng như giữ gìn phẩm giá và sự tôn nghiêm của phòng xử án.
Sau nhiều năm tranh luận và hai thí điểm, cơ quan tư pháp Liên bang đã thông qua một chính sách cho phép các thẩm phán có toàn quyền cho phép ghi âm và/hoặc ghi hình và truyền trực tiếp các thủ tục tố tụng tại tòa theo các hướng dẫn cụ thể.
Tại Anh, tòa án có thể tùy ý cho phép các nhà báo ghi chép lại quá trình tố tụng tại tòa án, có thể sử dụng thiết bị di động chụp ảnh các tài liệu tòa án. Song chụp ảnh và quay phim tại tòa án đều bị nghiêm cấm, kể cả vẽ chân dung hoặc phác họa bất kỳ người nào tại tòa.
"Truyền thống" cấm chụp ảnh đã thiết lập các tòa án ở Anh từ năm 1910 nhưng các phương tiện truyền thông từ lâu đã vận động cho việc sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình trong phòng xử án và đến năm 2022 mới được chấp thuận, cũng chỉ được ở phần tuyên án. Với các nhà báo Anh, đây là thắng lợi đầu tiên.
Các nhà phê bình lo ngại báo chí với máy ảnh, quay phim sẽ biến tòa án thành "gánh xiếc", nhưng các chuyên gia luật không đồng tình. Theo họ, khi được công khai, tòa án sẽ giúp người dân hiểu công việc khó khăn, vất vả mà các thẩm phán phải đối mặt. Công chúng sẽ thấy sự minh bạch, hiểu rõ hơn về từng vụ việc, thủ tục tố tụng và cách thức hoạt động của tòa án.
"Trong nhiều bản tin, những đoạn trích tuyên án giúp truyền tải trọng tâm của những gì đã xảy ra; làm cho hệ thống tư pháp cởi mở hơn và dễ tiếp cận hơn với công chúng", Chánh án Lord Burnett của hạt Maldon Essex, nói.
Vũ Tuân - Hoài Tú
Nguồn: VNEXPRESS.NET