Sự thờ ơ, không nhúc nhích để chuyển đổi môi trường kinh doanh tốt hơn là điều đáng ngại nhất...
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lo ngại trong bối cảnh Việt Nam tham gia hội nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tại hội thảo “TPP - những điều doanh nghiệp cần biết” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, bà Phạm Chi Lan cho rằng, Việt Nam hiện nằm trong bốn nước có trình độ phát triển thấp nhất ASEAN. Tuy vậy Lào, Campuchia và Myanmar vài năm gần đây đều tăng trưởng rất nhanh.
Theo bà, trong cạnh tranh hội nhập sẽ có thắng và thua, nhưng quan trọng là biết nắm cơ hội đó thế nào.
Bà cho rằng, trong bối cảnh hội nhập. nếu VN vẫn tiếp tục chơi theo kiểu "kinh doanh nửa nhà nước, nửa thị trường" thì rất khó.
Cũng vì lý do này mà trong hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tận dụng được 30% lợi thế từ các hiệp định tự do thương mại đã ký kết, 70% còn lại được khu vực đầu tư nước ngoài tận dụng tốt.
Như vậy, đây là lần thứ hai bà Phạm Chi Lan phải lên tiếng cảnh báo nguy cơ tụt hậu của Việt Nam so với các nước trong khu vực.
Vào giữa năm 2015, bà Lan đánh giá, khoảng cách giữa Việt Nam và các nước ASEAN ngày càng lớn.
Thậm chí, các nước trong nhóm CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar) cũng đang có sự cải cách tốt, tốc độ tăng trưởng cao hơn Việt Nam.
“20 năm tham gia ASEAN, Việt Nam vẫn ở trong nhóm CLMV trong khi chúng ta từng kỳ vọng sau khi gia nhập WTO Việt Nam sẽ ở trong nhóm ASEAN 6” – bà Lan nói.
Theo bà Lan, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có những động lực khác nhau.
Doanh nghiệp nhà nước vẫn bảo hộ và độc quyền, chưa quan tâm đến hội nhập, chỉ chờ đợi vốn ODA.
Còn khối doanh nghiệp tư nhân lại chịu sức ép rất lớn, 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chỉ hoạt động nội địa, chưa tham gia xuất nhập khẩu nên chưa biết được những thách thức khi hội nhập và mở cửa thị trường.
Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng một mối lo lớn trước mắt đối với Việt Nam chính là cải thiện môi trường kinh doanh.
Việt Nam đã từng lập "kỷ lục" về giải thể doanh nghiệp nên cộng đồng doanh nghiệp lo làm sao để tồn tại hơn là cạnh tranh.
Theo bà Lan, việc tận dụng ưu đãi nhiều khi khó đạt được do thủ tục nhận ưu đãi khá phức tạp và ưu đãi chưa đủ để doanh nghiệp bỏ thời gian công sức, tiền của để làm.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài như doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản... lại rất tích cực trong việc tận dụng ưu đãi tại Việt Nam.
Điều quan trọng đối với Việt Nam hiện nay là đổi mới tư duy và nhận thức. “Sự thờ ơ, không nhúc nhích để chuyển đổi môi trường kinh doanh tốt hơn là điều đáng ngại nhất” - bà Chi Lan nhấn mạnh.
VN tụt hậu do phát triển lạc điệu
Cho rằng VN đã thực sự bị tụt hậu chứ không còn lo ngại gì nữa, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thái, nguyên viện phó Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nói: “Chúng ta đã thực sự tụt hậu, và tụt hậu ngày càng xa hơn so với thế giới, chứ không còn nguy cơ gì cả.”
Cũng chỉ thẳng nguyên nhân tụt hậu là do tư duy cũ kỹ, vị chuyên gia nói tiếp: “Kinh tế Việt Nam không chỉ tụt hậu xa hơn, mà trong nhiều chiều cạnh đang đi lạc điệu so với xu hướng chung của thế giới".
Còn theo nghiên cứu của ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam thì, dù có những thành tựu đáng tự hào và đáng ngưỡng mộ trong suốt ba thập kỷ vừa qua, Việt Nam vẫn đang bị các nước phát triển hơn bỏ lại phía sau và khoảng cách ngày càng nới rộng.
Việt Nam cũng đang bị bỏ lại phía sau trên các bảng xếp hạng toàn cầu trong phần lớn các tiêu chí phát triển.
Chẳng hạn, sức mạnh kinh tế của Việt Nam ngày càng nhỏ so với Trung Quốc.
Tại thời điểm khởi động đổi mới, quy mô GDP của Việt Nam (tính theo giá cố định năm 2005) tương đương với 4,1% con số của Trung Quốc, tức 1/25. Nhưng tỷ lệ này không ngừng giảm xuống, đến 2013 chỉ còn 1,9%.
Tính theo sức mua tương đương PPP, vị thế của Việt Nam vẫn không mấy thay đổi, thậm chí mức độ thịnh vượng tương đối của người Việt Nam đang nhanh chóng giảm đi so với người Trung Quốc.
Ông đặt vấn đề, vậy đến 2035, tức sau hai thập niên kể từ bây giờ và 50 năm sau Đổi mới, Việt Nam sẽ nằm ở đâu trên bản đồ kinh tế thế giới?
Các dữ liệu được phân tích của ông Thiên chỉ ra rằng, đến 2035, mức độ thịnh vượng trung bình của người Việt Nam vẫn còn thua xa Đài Loan, Hàn Quốc ở thời điểm 2011, và chỉ bằng gần một nửa của Nhật Bản và 1/3 so với Singapore.
Tính từ 2015, Việt Nam phải mất lần lượt 10, 12 và 17 năm nữa để vượt qua mức Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia đã đạt được ở năm 2011.
Nói cách khác, sau 30 năm đổi mới, dù nhìn ở khía cạnh nào thì Việt Nam vẫn đang cách rất xa so với các nước đi trước.
“Nếu trong hai thập kỷ tới, Việt Nam không có những yếu tố đột phá vượt trội thì cục diện này sẽ chẳng có gì thay đổi,” ông cảnh báo.
Thái An (tổng hợp)