Lạng Sơn: 61 nhà dân sống trên "hoang đảo"Gần 200 nhân khẩu của thôn Đồng Lão xã Minh Tiến - Hữu Lũng-Lạng Sơn đang sống như một "ốc đảo"cô lập với bên ngoài.

Do bị chia cắt bởi dòng sông Trung, hàng ngày người dân Đồng Lão phải “đánh bạc với số phận” bằng cách đi thuyền hay kéo bè sang sông để đi học, mua sắm nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống cũng như thực hiện các công việc cần thiết khác.
 
Cuộc sống phó mặc cho trời

Thôn Đồng Lão rộng khoảng 60ha kéo dài hơn 2km nằm giữa một bên là núi, một bên là sông. Cả thôn có 61 nóc nhà với gần 200 nhân khẩu.Từ bao đời nay người dân Đồng Lão sống trong cảnh không có cầu qua  sông, không trường mẫu giáo... Chỉ một cơn mưa nước sông dâng lên là cô lập hoàn toàn với bên ngoài.

Trước đây, người dân Đồng Lão thường vượt sông bằng cách lội qua hay dùng thuyền nan. Nhưng từ năm 1999 đến nay dòng sông này bị nạn “cát tặc” hoành hành dữ dội nên lòng sông ngày càng sâu, dòng chảy thay đổi, không lội được nữa, đi thuyền nan cũng hay bị lật. Vì vậy cuộc sống người dân nơi đây đành phó thác cho thời tiết. Trời nắng ráo nước nhỏ, họ tranh thủ vượt sông mua nhu yếu phẩm cần thiết dự trữ. Ngày mưa ngập thì ngồi nhìn nhau mong nước để còn sang sông kiếm cái ăn. 

Ông Hoàng Văn Hành trưởng thôn Đồng Lão nhớ lại: “Năm kia mưa to nước dâng cao hơn một tuần không ai dám sang sông, nhà nào may mắn còn dự trữ được mắm muối để ăn, chứ nhiều gia đình đành phải ăn rau luộc cho qua bữa”.

Giá như có một cây cầu!

Lo cái ăn đã khó, nhắc đến chỗ ở lại càng khó hơn. Càng ngày chuyện xây nhà càng trở nên xa vời đối với người dân nơi đây vì khâu vận chuyển nguyên vật liệu về đến nhà ngày càng gian nan. Các gia đình phải dùng thuyền nan để chở vật liệu về. Có khi bị lật thuyền nguy hiểm đến cả tính mạng con người.

Lạng Sơn: 61 nhà dân sống trên

Trong thôn cũng có người định xây dựng trang trại, phát triển kinh tế gia đình theo mô hình VAC, nhưng khi tính đến chuyện phải vận chuyển thức ăn qua sông lại đành thôi. Vậy là người dân ở đây chẳng cách gì thoát nghèo. Bao năm đã qua, bao ý tưởng làm giàu đã tới nhưng chỉ vì “cô lập” mà nghèo vẫn hoàn nghèo!
 
Không có cầu, người dân Đồng Lão đành phải tự mình tạo ra phương tiện thô sơ, tạm thời như: thuyền nan, bè...để qua sông. Biết là làm vậy rất nguy hiểm, có thể mất mạng như chơi nhưng vì cuộc sống họ vẫn phải cá cược mạng sống cho tử thần. Chẳng riêng người lớn mà ngay cả học sinh hàng ngày vẫn phải tự mình qua sông để đến trường.

Đứng trên bờ sông miệng vừa nói, tay vừa chỉ về phía chiếc bè ông Hành than thở: “Dù chỉ là chiếc bè mộc nhưng từ khi có nó cuộc sống bà con trong thôn đã đỡ vất vả hơn trước nhiều. Nhưng “nó cũng yếu” quá rồi, không biết đủ sức chịu đựng được bao nhiêu mùa lũ nữa. Nếu nó có hỏng thì chúng tôi cũng chẳng biết làm sao bây giờ!”.

Ông nói thêm: “Không có cầu, có đường vào thôn, một kg ngô hột mang bán ở bên kia sông đáng giá năm nghìn thì họ sang bên này mua ép giá chỉ được ba nghìn là cùng. Một viên gạch mua bên kia chỉ gần một nghìn, chi phí mang về đến bên này tính ra cũng lên đến 1,5 nghìn. Giá như có một cây cầu để bà con chúng tôi chạy thẳng sang thì người dân nơi đây hẳn sẽ đổi đời”.

Lạng Sơn: 61 nhà dân sống trên

Huyện chưa có điều kiện

Nhiều trẻ đến tuổi đi mẫu giáo nhưng phải ở nhà vì không có người đưa sang sông để đi học. Vài năm trở lại đây trong thôn mới có 4 cháu tốt nghiệp THPT, còn chỉ học hết cấp một, cấp hai là bỏ học.Việc học hành của các em thất thường như vậy cũng bởi sự thất thường của dòng sông Trung. Con số hơn 20 học sinh tiểu học cứ vơi dần qua từng năm. Từ thủa có cái tên Đồng Lão đến nay cả thôn mới có 1 người học đến trung cấp. 

Khi đem mong muốn của người dân thôn Đồng Lão đến gặp ông Trần Đĩnh chủ tịch UBNN xã Minh Tiến thì chúng tôi nhận được câu trả lời: “Nguyện vọng của bà con thôn Đồng Lão là có một cây cầu. Xã cũng biết vậy và đã nhiều lần đề xuất lên huyện nhưng do bên đó dân ít mà vốn đầu tư lại quá lớn trong khi huyện chưa có điều kiện”.

Lạng Sơn: 61 nhà dân sống trên

Chúng tôi rời thôn Đồng Lão trong một buổi chiều dòng nước sông Trung đang đục ngầu cuồn cuộn chảy như một thách thức bất cứ ai muốn vượt qua. Tiễn chúng tôi ra đến bờ sông, ông Hành nhắc lại đầy khẩn thiết: “Mong muốn lớn nhất của bà con chúng tôi là có một cây cầu để cho cuộc sống đỡ khổ. Đó cũng là niềm mơ ước của bất cứ người dân nào trong thôn Đồng Lão”.

Theo Bee.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC