Lo quá, đạo đức người thầy!Bộ GD - ĐT mới đây có công văn gửi các đơn vị giáo dục về việc chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo.

Có lẽ, với phụ huynh học sinh thì đây là “liệu pháp tinh thần” để họ vững tâm hơn khi gửi con em mình tới trường nhưng với những nhà giáo dục đúng nghĩa thì công văn này có lẽ làm họ xót xa cho bản thân nhiều hơn.

Giữa năm 2006, dư luận vô cùng căm phẫn trước vụ việc ông Đỗ Tư Đông, Trường CĐ Phát thanh - truyền hình I (Hà  Nam) “gạ tình lấy điểm” nhưng không thành. Khi nữ sinh bị “gạ” cung cấp băng ghi âm, ông Đông vẫn phủ nhận sự thật, cố tình quanh co... Đến khi PA25 Công an tỉnh Hà Nam vào cuộc, thu thập bằng chứng, ông Đông mới thừa nhận hành vi đồi bại của mình.
 
Người ta cứ tưởng câu chuyện “mất nhân tính” của “thầy giáo” Đông sẽ chẳng bao giờ tái diễn. Nhưng rồi… ba năm sau, hơn 1 triệu nhà giáo và dư luận cả nước lại bàng hoàng trước việc ông Sầm Đức Xương (Hiệu trưởng Trường THPT Việt Vinh, Bắc Quang, Hà Giang) dùng  tiền “mua trinh” học sinh lớp 8. 

Người ta còn bất ngờ hơn khi cơ quan điều tra cho biết: ông Xương đã tham gia đường dây mua bán trinh học sinh THCS, THPT trong suốt một thời gian dài. Rồi đến sáng 2/10, dư luận cả nước lại choáng váng trước một sự thật khủng khiếp: giáo viên Phạm Văn Vân, Trường tiểu học Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh nhẫn tâm cưỡng bức chính cô học trò 9 tuổi của mình…

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, hầu như trước bất kỳ “sự cố” nào, Bộ GD – ĐT cũng cho đó là “trường hợp cá biệt”. Trước hành vi của ông Hiệu trưởng mất nhân tính Sầm Đức Xương, Chánh văn phòng  Bộ GD - ĐT Trần Quang Quý khẳng định, đây là trường hợp cá biệt nhưng cũng là bài học cho toàn ngành giáo dục. “Trước khi vào năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT đã nhắc nhở trong chỉ thị về việc  nâng cao đạo đức nhà giáo. Tuy nhiên vẫn xảy ra sự việc này, lại đối với một hiệu trưởng là điều đau xót của ngành" - ông Quý nói.

Ông Phạm Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Nhà giáo và quản lý giáo dục (Bộ GD - ĐT) cũng cho rằng,  từ trước đến nay, ngành giáo dục chưa có trường hợp nào như vậy. 

Đúng là những trường hợp như trên chỉ xuất hiện cá biệt ở một số ít người đứng trên bục giảng nhưng cả xã hội dường như đều cảm thấy lo ngại chung đạo đức người thầy. Có ai dám chắc rằng, những trường hợp trên không tái diễn? Liệu sự cảnh báo của Bộ GD - ĐT đã là “liều thuốc” đủ mạnh để chấm dứt tình trạng này.

Theo Đất Việt.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC