"Lũ mặn" tấn công ĐBSCLNhững thiệt hại nặng nề do "lũ mặn" gây ra đối với đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa, trái cây, thuỷ sản của cả nước - không còn là cảnh báo. Hàng chục ngàn hecta đất đã biến thành các “vùng đất chết” do bị mặn hoá.

Khác với lũ thông thường (lũ ngọt) mang phù sa màu mỡ, tôm cá về cho đồng bằng, theo các chuyên gia thuỷ lợi, “lũ mặn” từ biển theo sông tiến vào ruộng đồng đang gây thiệt hại nặng cho sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản. Cuộc sống người dân đảo lộn vì thiếu nước sinh hoạt, sản xuất. Năng suất lúa, hoa màu, cây ăn trái giảm. Nhiều nơi cá chết vì bị nước mặn tấn công. Đó là chưa kể quy hoạch bị phá vỡ, ô nhiễm môi trường ngày càng tồi tệ hơn. 

Nước mặn xâm nhập hơn 60km 

Giới khoa học còn cảnh báo những thiệt hại do lũ mặn sẽ chưa dừng lại. Thậm chí, mực nước biển dâng mang theo lũ mặn sẽ nhấn chìm nhiều vùng đất ở đồng bằng sông Cửu Long là điều khó tránh khỏi. Trong một cuộc hội thảo về biến đổi khí hậu mới đây, Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường thành phố Cần Thơ Kỷ Quang Vinh, cảnh báo: “Điều mà chúng ta nên dành sự quan tâm nhiều hơn là lũ mặn thay vì lũ ngọt như trước đây. Lũ mặn là lũ do nước biển dâng, khi nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong bị hạn chế bởi hệ thống đập thì ở hạ nguồn thiếu nước, từ đó tạo điều kiện cho nước biển tràn sâu vào nội đồng…”.

Cảnh báo này là có thể chứng minh bởi thực tế nước mặn xâm nhập ngày càng sâu vào đất liền, ruộng đồng. Có thời điểm, trên hai con sông Tiền và sông Hậu nước mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng đến 60 - 65km. Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường Cần Thơ còn cho hay, mùa khô vài năm trở lại đây, nước mặn đã xâm nhập sâu cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 12km. Độ mặn cũng tăng lên theo thời gian. 

Biến đổi khí hậu rõ ràng đang tác động đến đời sống con người cũng như sinh vật các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, nếu chỉ chăm chăm đổ lỗi do “tác động từ biến đổi khí hậu toàn cầu” là chưa thoả đáng. Chính con người đang “góp tay” làm cho tình hình thêm tồi tệ hơn. 

Tại nhiều vùng, nông dân phá đê đưa nước mặn vào vùng ngọt hoá để nuôi tôm cá, bất chấp khuyến cáo về tác hại mà nó gây ra (quy hoạch bị phá vỡ, hiệu quả kinh tế bấp bênh, ô nhiễm môi trường…) Tình trạng thái quá này đã diễn ra từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu. Hệ thống đê bao nhiều nơi chưa làm tròn nhiệm vụ điều tiết mặn - ngọt hợp lý.

 Ngăn chặn hay thích nghi? 

Giới khoa học đã nhiều lần cảnh báo trước việc các nước vùng thượng nguồn sông Mekong, đặc biệt là Trung Quốc, đang xây quá nhiều đập thuỷ điện sẽ làm ảnh hưởng vùng hạ lưu. Con sông này chảy qua sáu nước là Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Là nước nằm ở hạ lưu, theo các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất. Bởi các đập thuỷ điện chặn phù sa xuống đồng bằng sông Cửu Long, nguồn lợi thuỷ sản bị huỷ diệt. Một khi “đói lũ”, mực nước lũ thấp, không đủ khả năng tẩy rửa chất phèn, chất độc hại tồn lưu trong đồng ruộng ra biển, tất nhiên sẽ ảnh hưởng mùa màng. Đó là chưa kể, khi các đập thuỷ điện vùng thượng lưu xả lũ, đồng bằng sông Cửu Long sẽ lãnh đủ. Còn mùa khô sẽ thiếu nước trầm trọng, hệ thống môi sinh bị phá vỡ. 

Thế nhưng, bất chấp hậu quả mà các nước hạ lưu đang phải gánh chịu, nhiều nước vẫn đã và đang xây hàng loạt đập thuỷ điện. 

Người dân đồng bằng sông Cửu Long lâu nay vốn quen sống chung với lũ (ngọt). Vật nuôi, tôm cá, cây trồng cũng chỉ “quen” với môi trường nước ngọt. Nay họ đối phó thế nào trước “lũ mặn”? Ai sẽ giúp người dân thích ứng với “lũ mặn”? Câu trả lời dường như mới dừng lại ở cảnh báo, kêu gọi thay vì hành động. 

Một số gợi ý từ các nhà khoa học tâm huyết rằng cần nghiên cứu tìm ra những giống cây trồng, vật nuôi có khả năng chống chịu, thích nghi dần với “lũ mặn”, bố trí mùa vụ thích hợp với biến đổi khí hậu. Đồng thời, xây các hồ sinh thái trữ nước mùa khô. Nước mặn cũng có thể biến thành tài nguyên khi biết khai thác, điều tiết nó. Ngược lại nó sẽ là tai hoạ. 

Ngăn chặn “lũ mặn” từ xa thông qua việc quan tâm nhiều hơn đến việc hợp tác với các nước thượng nguồn nhằm khai thác tài nguyên nước sông Mekong một cách bền vững cũng là điều nên làm. Trong đó, để các nước thượng nguồn có trách nhiệm việc bảo vệ tài nguyên nước sông này thì không thể không cần tiếng nói của cộng đồng quốc tế, tiếng nói của nhân dân vùng hạ nguồn.

Theo Tiếpthị.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC