Tại rốn lũ Hương Khê (Hà Tĩnh), nước đang rút dần, các gia đình tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, đưa đồ đạc trở về, nhiều học sinh cố gắng phơi sách vở chờ ngày đến trường.
Trong hai đợt lũ liên tiếp, Hương Khê là địa phương hứng chịu nặng nề nhất với 100% số xã bị cô lập, hàng chục nghìn nhà ngập tới nóc, người dân kiệt sức vì lũ lụt dồn dập
Sau hơn một tuần chạy lũ, cầm hơi bằng mì tôm và nước uống đóng chai, tranh thủ khi nước rút, người dân Hương Khê đang dọn dẹp lại nhà cửa, đồ đạc và đối mặt với tình trạng thiếu đói, bệnh tật sau lũ lớn.
Nằm cạnh đường mòn Hồ Chí Minh, dưới chân đường sắt Bắc - Nam, ngôi nhà của gia đình chị Nguyễn Thị Loan (thị trấn Hương Khê) ngập lút nóc, phải dựng lều cạnh đường sắt cùng với mấy gia đình khác. Mấy ngày nay, chị và những gia đình bị ngập lục đục trở về nhà, phơi phóng đồ đạc và tìm kiếm những gì còn có thể sử dụng được.
“Khổ quá, lụt chi mà lụt liên tiếp, dân làng bầy tui chắc là chịu đói hết năm nay, lúa thóc ngâm nước lâu ngày nay không dùng được nữa. Quần áo, chăn màn ướt hết, trâu bò trôi cả rồi”, chị Loan cho biết.
Nhiều điểm vẫn ngập, người dân phải sinh hoạt áp mái nhà.
Cùng với chị Loan, mấy ngày nay, những hộ dân bị ngập ở ven đường Hồ Chí Minh đã bắt đầu trở về nhà dọn dẹp.
Trong khi các xã vùng thượng lưu lũ bắt đầu rút, để lại những lớp bùn ngập ngụa, đỏ au thì ở các xã vùng hạ lưu như Phương Mỹ, Phương Điền, Hà Linh… vẫn ngập sâu, có nơi hơn một mét, nhiều hộ dân vẫn chưa thể trở về nhà.
Cách đây hơn 10 ngày, vợ chồng anh Hồ Văn Khá (xã Phương Mỹ) phải đi vay từng nắm gạo về ăn vì đợt lũ thứ nhất đã dìm gia đình anh trong biển nước, đến đợt lũ thứ hai, cả nhà tiếp tục phải tất tả chạy lũ.
Đứng trước căn nhà vẫn đang ngập nước của mình, anh Khá buồn bã nói: “Đợt trước thì còn gắng gượng được chứ đợt này thì chịu rồi, cả nhà tui chắc phải sống bằng mì tôm cả tháng thôi”.
Ông Đinh Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Hương Đô, một trong những điểm bị ngập của huyện Hương Khê cho biết, hiện nay hầu hết người dân đã trở về nhà dọn dẹp. Cái khó khăn nhất của bà con sau lũ lịch sử vẫn là lương thực, thực phẩm, các loại giống hoa màu và thuốc chữa bệnh.
Theo VnExpress.